Wednesday, December 25, 2013

Bài Viết của Nhà Văn Phan Khôi

16-10-1930
GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH THÁNH KINH BÁO
Cơ quan của hội Tin Lành xuất bản tại Hà Nội
Mới rồi, tôi nhận được Thánh Kinh báo số 1 mà chủ nhiệm báo ấy là ông mục sư W.C. Cadman gởi tặng, tôi rất lấy làm mừng rỡ, nên viết bài nầy giới thiệu tập báo ấy cho độc giả của Phụ nữ tân văn.
Thánh kinh báo ra một năm 10 số, giá bán đồng niên 1$00, mỗi số bán lẻ 0$15. Số 1 nầy đề tháng Janvier 1931, đây chắc có vì cớ gì đó nên phải xuất bản trước đến ba tháng như vậy.
Hội Tin lành mới có trong nước ta độ hơn 10 năm nay, có lẽ nhiều người còn chưa biết, ta nên cắt nghĩa sơ qua.
Trong sách Tân Ước có chữ “Évangile”, chỉ nghĩa là cái đạo của Jésus-Christ, mà nghĩa đen là cái tin tức tốt lành (bonne nouvelle) về sự đắc cứu mà ngài đem rao báo cho loài người. Chữ Évangile ấy, dịch ra chữ Tàu là “Phước âm”, ra chữ ta là “Tin lành”.
Độc giả hãy biết trước rằng đạo Cơ đốc (Christianisme) có hai phái lớn : Một phái có từ xưa, kêu bằng “Catholique”, truyền sang ta đây đã lâu, ta thường kêu là đạo Thiên Chúa. Một phái nữa mới biệt riêng ra hồi thế kỷ XVI, người ta thường kêu là đạo “Protestant”. Phái nầy mới do giáo hội nước Mỹ truyền sang xứ ta, ta kêu bằng đạo Gia-tô, song chính họ tự đặt tên là “đạo Tin Lành”, còn cái giáo hội (Eglise) của họ ở đây, tên là “Hội Tin Lành Đông Pháp”.
Đây tôi quyết không đặt miệng mà phê bình đến tông giáo và cũng không so sánh hay là khen chê sự hay dở của hai phái ấy đâu. Tôi chỉ muốn cắt nghĩa tại làm sao họ đặt tên tờ báo cơ quan của họ là “Thánh kinh”, nên tôi nói rằng : Cái giáo nghĩa của đạo Tin lành không có vẽ vời ra nhiều nghi thức như bên Công giáo (Catholique), mà chỉ lấy Kinh Thánh làm gốc, bất cứ việc gì đều căn cứ ở Kinh Thánh và nhận một mình Jésus-Christ làm Thầy, do đó lập cái cơ quan nầy ra để phát huy nghĩa lý trong Kinh Thánh.
Nếu vậy thì tôi giới thiệu tờ báo ấy ở đây làm chi ? Tôi cổ động cho người mình theo đạo Tin Lành hay sao ? Không phải vậy đâu. Về sự tín ngưỡng, ai nấy có quyền tự do ; đây tôi giới thiệu Thánh Kinh báo là chuyên về một mặt văn học.
Nhớ dạo trước tôi có viết một bài điền bạch (article de remplissage) đăng trong Trung lập báo, không ngờ hôm nay có dịp xứng đáng được chuyển lục ra đây. Bài ấy như vầy :
VĂN HỌC VỚI KINH THÁNH
Kinh Thánh đây tức là Bible, gồm cả Cựu ước và Tân ước. Người có đạo Cơ-đốc ở xứ ta bất luận Cựu giáo (Catholique) hay Tân giáo (Protestant) đều dịch ra tiếng ta kêu bằng Kinh Thánh.
Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng : Kinh Thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy ; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh Thánh như họ.
Ai nói vậy là còn hẹp hòi quá, không hiểu sự học đời nay. Ở bên Tàu và Nhựt Bổn, người không theo đạo cũng kêu bằng Kinh Thánh như người có đạo vậy, vì hai chữ ấy đã thành một cái tên riêng (nom propre) rồi.
Ở đời nay, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đúng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tàu, dầu không phải tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ trong Kinh Thánh luôn luôn. Như họ dùng chữ “tẩy lễ” là do chữ “Baptême” mà ra ; chữ “phước âm”, là do chữ “Evangile” mà ra. Mà những chữ ấy ngày nay họ dùng đã quen lắm, chẳng khác nào chữ gốc trong ngũ kinh tứ thơ vậy.
Còn nói chi về chữ Pháp, thì muốn nói là gốc bởi Kinh Thánh mà ra, cũng không phải quá đáng. Tức như bởi một chữ Bible đó mà sanh ra bộn bề chữ có nghĩa về sách vở. Ấy là như : Người làm sách thì kêu bằng Bibliographe, sự học về biên chép sách vở thì kêu bằng Bibliographie ; người ham mê sách vở thì kêu bằng Bibliomane ; cái tánh ham sắm sách thì kêu bằng Bibliomanie ; người hay tìm mua sách vở thì kêu bằng Bibliophile ; cái nhà chứa sách vở thì kêu bằng Bibliothèque. . .
Lại có nhiều câu trong Kinh Thánh đã thành ra tục ngữ (proverbe) hay là thành ngữ (expression) trong tiếng Pháp. Như : “Kẻ tiên tri không được trọng đãi trong quê hương mình” ; “Dưới mặt trời chẳng có sự gì lạ” . . . mấy câu đó đều là ở trong Kinh Thánh cả.
Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.
Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó tới đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh Thánh thì cái học ấy cũng gọi được là cái học không gốc.
Có nhiều chữ trong tiếng Pháp  nhiều không xiết kể – nếu chẳng biết đến Kinh thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh Thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm.
Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu.(*)
Cái bài của tôi đó tuy ngắn cũng đủ thấy Kinh Thánh có quan hệ với văn học ngày nay thế nào. Các chi hội Tin Lành ở xứ ta, đâu đâu cũng có bán đủ Kinh Thánh bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và quốc ngữ ; ước gì mỗi người có học đều tùy mình biết thứ chữ gì thì mua mà xem. Vì tôi đối với Kinh Thánh có lòng sốt sắng như vậy, nên khi thấy Thánh Kinh báo thì mừng rỡ mà giới thiệu.
Cái chỗ tôi mừng rỡ hơn nữa, là văn chương của Thánh kinh báo còn có phần giúp ích cho văn quốc ngữ ta trong lúc mới lập nền. Bởi vì văn chương của Thánh Kinh báo đặt một cách thật rõ, thật gọn mà lại dễ hiểu nữa, rất hiệp với cái lối bình dân văn học. Tôi xin cử ra đây một vài đoạn trong bài “Tánh nết” ở trương 9 –10 của tập báo ấy :
“. . . Ý tưởng kín nhiệm dầu mình không tỏ, tư dục ngấm ngầm dầu mình không lộ, lời gian dối dầu mình không nói ra miệng, sự phạm thượng dầu mình vẫn chứa trong lòng, nhưng cũng có thể làm hỏng tánh nết, và không sao che tai bịt mắt xã hội được. Tánh nết là sự mầu nhiệm, phải cố sức làm cho hoàn toàn mãi mãi. Tánh tốt quý hơn ngọc, hơn vàng, hơn quyền thế, hơn mão triều thiên. . .
Ở đời, ta phải có mục đích cao xa, nghĩ đến đời đời vô cùng, chớ chẳng phải chỉ lo tính trong tạm thời mà thôi. Không nên để hoàn cảnh uốn nắn tánh nết mình. Ai bị hoàn cảnh sai khiến ấy là người rất nhát, “giống như sóng biển bị gió động mà đưa đi đẩy đi đó” (Gia-cơ 1 : 6). Cái giá một người có chí quả quyết chống nổi điều ác, giữ vững điều thiện, thật gấp triệu lần những người yếu chí nhát gan. Ta nên theo gương sáng của Đa-ni-ên quyết chí trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống” (Đa-ni-ên 1 : 8).
Mỗi người nên kể tánh tốt bằng sự quý nhứt trong đời mình. Cố sức bươn theo mục đích đó, thì đời mình sẽ có giá trị với xã hội và đẹp lòng Chúa… Nếu có mục đích cao xa như thế, dầu không tới được, nhưng lòng mình cũng sẽ hăm hở bươn theo. ông Disraeli có nói : “Một người thiếu niên nếu không ngửa mặt lên trời, ắt sẽ cúi đầu trông xuống ; tâm thần không hướng về trời, chắc sẽ sấp mình mà bò trên đất”. Ai sống trong phạm vi cao xa thì cách ăn nết ở sẽ đúng đắn hơn người bậy bạ . . .
Tóm lại, tánh nết là sự cần nhứt trong đời người. Lẽ thật đó, đơn sơ mà cao cả, đẹp đẽ mà oai nghiêm, thật là một bài đạo đức lúc trẻ nên học, khi già phải nhớ.
Xã hội nào định giá tánh nết càng cao bao nhiêu, thì trình độ càng văn minh bấy nhiêu . . . Người nào hoặc nước nào coi khinh tánh nết, thì khó tránh khỏi tiếng bậy bạ, hèn mạt và mọi rợ. Chỗ nào nhơn dân không biết chú trọng tánh nết, thì ở đó đầy dẫy tình dục và tội lỗi. Ai thích hư danh hơn tánh nết, ấy là người hèn…”
Lối văn của Thánh Kinh báo bài nào cũng đại khái như vậy. Cái sở trường ở chỗ dùng lời nói thường mà đạt được ý cao sâu. Câu nào câu nấy rắn rỏi, già giặn, không có cái bịnh quá rườm rà, nhiều lời ít lẽ. Nếu những người thức giả đọc mấy đoạn trên đây mà không đồng ý, không khen như tôi, thì tôi xin chịu là tôi không có mắt, không có óc !
Thánh Kinh báo lại có một cái giá trị đáng quý nữa là viết chữ đúng. Cả 32 trương chữ đặc mà tôi thấy chỉ sai một chữ thôi, là chữ trau mà viết ra trao, ở trương 22, cột 2. Lại còn cách chấm câu cũng thật là hẳn hòi, không chỗ chỉ trích được. Đến cách in cũng đáng phục, đã đẹp lại kỹ, đâu ra đó lắm, không có làm tạp nạp bèm nhèm như lối in của phần nhiều báo chí ta. Tôi tưởng ai hay suy nghĩ một chút, thấy tập báo nầy chắc cũng phải sanh lòng hổ thẹn : sao người ngoại quốc lại biết viết tiếng Việt Nam đúng và có phép tắc hơn người bổn quốc ?
Xem tập Thánh Kinh báo nầy lại thấy ra cái Mỹ quốc hóa (Américanisme) nữa. Người Mỹ vẫn là phú hào mà lại có cái tánh cần kiệm, tiếc từng chút vật liệu cũng như tiếc từng chút thì giờ. Tập báo nầy giấy thật tốt, in thật khéo, mà bài nào bài nấy cũng cứ chẵn trương, không hề chừa một chút giấy dư. Cái đặc tánh ấy thiết tưởng ta cũng nên bắt chước. Song le, có người lại nói rằng : Việc gì mà làm như vậy thì được, chớ in sách mà làm như vậy, tất phải đẽo gọt từng bài cho tề chỉnh, e có khi làm kém cái tinh thần mỹ thuật đi và cũng có khi làm mất sự linh hoạt của văn học đi.
Trên đó tôi làm xong phần việc giới thiệu Thánh Kinh báo cho độc giả người Việt Nam; sau đây tôi có một chút ý kiến muốn đem cống hiến cho tòa soạn Thánh Kinh báo.
Trong nước chúng tôi, từ xưa học về đạo lý đều dùng sách bằng chữ Hán cả, bắt đầu từ đây mới có những sách nói về tôn giáo hay triết học bằng quốc ngữ. Sự học trong nước nầy cũng thiếu thốn như mọi đồ mặc thức dùng, chúng tôi bằng lòng nhập cảng hàng ngoại quốc về những món nào mà chúng tôi thiếu. Tuy vậy, chúng tôi chỉ ưa dùng hàng thiệt mà thôi. Nói thế, có ý bóng là khi liệt vị đem Kinh Thánh mà giới thiệu cho chúng tôi, phải nói cho thật đúng với Kinh Thánh, Kinh Thánh nói làm sao thì nói y theo làm vậy, rồi chúng tôi hiểu thế nào tuỳ chúng tôi, chớ người nhập cảng không nên pha trộn một chút gì vào.
Tôi vẫn biết liệt vị biên tập Thánh Kinh báo rất là cẩn thận, chẳng phải cậy ở trí khôn mình mà cậy ở Thánh linh soi dẫn cho. Dầu vậy, cũng còn có chỗ làm cho tôi thấy mà hồ nghi, phải chất vấn mới được.
Trương 27, về mục “Bài học ngày Chúa nhựt” cột 2, có đoạn như vầy :
“Thế gian không phải tự nhiên mà có. Nhưng phải nhờ có một quyền phép lớn lắm mà đã dựng nên trời đất, và quyền phép lớn ấy tức là Đức Chúa Trời”.
Đó, câu cuối cùng đó phải làm cho tôi hồ nghi. Tôi thấy như Kinh Thánh nói quyền phép lớn ấy ra từ Đức Chúa Trời, chớ không phải tức là Đức Chúa Trời.
Nếu nói quyền phép lớn ấy tức là Đức Chúa Trời, thì thành ra Đức Chúa Trời với quyền phép lớn chỉ có một mà thôi. Kinh Thánh có khi nào nói như vậy ? Theo Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời có hình, cho nên “ngài mới nắn người ta theo như hình của ngài”. Chẳng những vậy thôi, Đức Chúa Trời lại có khi vui, khi buồn, khi nổi ghen, khi phát cơn giận và thạnh nộ nữa ; thế mà bảo rằng quyền phép lớn tức là ngài, sao được ? Quyền phép dầu lớn cho mấy đi nữa cũng chỉ là một danh từ trừu tượng (un nom abstrait) mà thôi, khi nào có sự vui, buồn, ghen, giận được ?
Theo Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời vẫn có hình tượng, duy người ta không thấy được, chỉ có người đời xưa như ông Áp-ra-ham, ông Môi-se thì đã thấy được ngài. Nếu ngài chỉ là cái quyền phép lớn, chỉ là một danh từ trừu tượng, thì cũng chẳng qua như cái danh từ đạo hay lý, các ông ấy làm sao thấy được và nhiều khi đã nói chuyện cùng ngài ?
Các Tống nho, tức là các nhà triết học Tàu về hồi thế kỷ XII, XIII, nói rằng : “Thiên tức lý dã” hay là nói : “Thiên giả lý nhi dĩ”. Nghĩa là : “Trời tức là lý” ; hay là : “Trời, chỉ là lý mà thôi”. Vậy nếu tín đồ đạo Tin Lành mà cũng nói Đức Chúa Trời tức là quyền phép lớn, thì có khác gì ông Trời của Tống nho ? Bởi vì quyền phép và lý cũng chỉ là cái danh từ trừu tượng !
Một câu đó – riết lại chỉ hai chữ tức là – tuy không chi mà quan hệ lắm. Thấy câu ấy có thể hồ nghi cả bộ Kinh Thánh, vì gặp những chỗ khác, người ta có thể hỏi rằng : Đức Chúa Trời chỉ là quyền phép, sao lại có hình tượng, có đủ thứ tánh tình như người ta ?
Tôi biện bác cái lẽ nầy cũng như trước kia phê bình sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, mà tôi không chịu cái lẽ vô cực là của Khổng Tử. Tôi nói : nếu từ miệng mình nói ra, muốn nói thế nào thì nói, miễn có lý là được ; nhưng khi thuật lời người đời xưa, thì phải nói y theo lời người đời xưa ; bằng chẳng vậy, nhiều khi sẽ thành ra mình vu cho người đời xưa. Lời của người thường còn như vậy, huống chi lời Kinh Thánh đã được nhìn là lời của Đức Chúa Trời.
Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào. Trong bài nầy, nếu có chỗ nào bổ ích cho việc biên tập của ông thì có lẽ là một đoạn cuối cùng đó.
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.74 (16.10.1930)
Theo Liên kết/Văn học http://nguyenredeemer.org/van-hoc-3/

Kinh thánh và Văn học

Đối với đa số người Việt Nam bên lương (ngoại đạo), Kinh Thánh là quyển sách kinh dành riêng cho người theo đạo Chúa. Vì vậy ít mấy ai quan tâm đọc và tìm hiểu Kinh thánh. Ngay cả trong giới trí thức cũng có rất ít người chịu khó nghiên cứu Kinh Thánh. Còn các người cầm bút có đạo thì lại e dè hoặc không đủ bén nhậy để mang những cảm quan tôn giáo hấp thụ từ Kinh Thánh chuyển vào đời sống. Các sách vở có liên hệ đến Kinh Thánh đều là do các giáo hội xuất bản, đóng khung trong nội dung dạy đạo và truyền bá đạo. Điều đó càng củng cố cái định kiến của quần chúng độc giả xem Kinh Thánh là quyển sách xa lạ, không cần thiết. Nếu xem thị hiếu độc giả là thước đo dân trí, thì sự kiện đó đã làm nghèo đi đáng kể cái kho tàng kiến thức văn hoá Việt Nam mà lẽ ra phải phong phú hơn nhiều.
Tuy Kinh Thánh không phải là quyển sách văn chương thuần tuý, nhưng nếu cất Kinh Thánh và những sách chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh ra khỏi các tủ sách văn học, thì kho tàng văn chương thế giới sẽ khuyết đi một khoảng lớn quan trọng.
Nhiều nhà tư tưởng lớn Tây Âu, từ Augustin, Pascal, cho tới Chesterton, C.S. Lewis đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh. Ngay cả những nhà tư tưởng vô thần như Voltaire, Karl Marx cũng lập thuyết dựa trên những giá trị của Kinh Thánh.
Lịch sử nước Nga cho thấy rằng, khi Kinh Thánh đã đi vào văn học, thì qua văn học nó sẽ đi vào tâm thức của dân gian và trở thành một lực lượng tiềm tàng có khả năng uốn nắn giòng lịch sử dân tộc. Ai đọc Dostoevsky, Tolstoy mà không quen với Kinh Thánh thì không thể nào cảm nhận được hết cái ý vị, thâm thuý của hai bậc đại văn hào nầy. Trải qua hơn nửa thế kỷ, chính quyền cộng sản Nga ra sức càn quét tiêu diệt Kinh Thánh, nhưng họ không thể tháo gỡ được ảnh hưởng của Kinh Thánh trong văn học Nga. Chính vì vậy mà khi nhà nước chuyên chế bắt đầu xuống dốc thì ảnh hưởng của Kinh Thánh lại bừng lên trong văn học như ta thấy trong Solzenytsin. Những tác phẩm văn chương như Nơi Đồi Hình Sọ, tác phẩm điện ảnh như Ăn Năn, cấu tạo bằng những ảnh tượng từ Kinh Thánh chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong cuộc đổi đời của nước Nga trong những năm chuyển đổi.

Để nhận thức được tầm quan trọng của Kinh Thánh trong văn học, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói thẳng thắn của một nhà văn khả kính, Phan Khôi. Ông không những nổi tiếng là nhà tiên phong trong lãnh vực báo chí, tiểu thuyết, thi ca, mà còn nổi tiếng là cây bút cương trực, điển hình là những bài viết của ông trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đây là một bài báo đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn giới thiệu tờ Thánh Kinh Báo do Mục Sư Cadman xuất bản với độc giả(được lục đăng trong tờ Saigon Post Feb. 3, 1996) trích lại bài VĂN HỌC VỚI KINH THÁNH đăng trên Trung Lập Báo từ trước. Bài nầy tuy viết đã lâu (PNTV số 74 ngày 16-10-1930), nhưng vẫn còn có giá trị vì nhận định trong đó rất cụ thể và vô tư, nó cũng vẫn còn là một lời quở trách đối với những kẻ hậu sinh thờ ơ với Kinh Thánh. 
Xem bài viết của nhà văn Phan khôi. xem thêm ...

Sao Miền Đông

 Tác giả Nguyễn Anh Đào
 bao giờ bạn thức ngoài trời giữa một đêm sao sáng?
Nếu đã từng ngắm nhìn bầu trời trong một đêm sao sáng, bạn sẽ không thể nào quên được những giây phút tuyệt vời đó.  Hôm nào trời quang mây tạnh, tôi mời bạn đi vào một thế giới rất gần gũi mà bạn không hề để ý đến.  Tôi mời bạn bỏ lại đằng sau vạn ánh đèn màu, rời xa phố phường, hoà mình vào cõi thiên nhiên.  Bạn sẽ lặng người ngắm nhìn bầu trời huyền ảo, với hàng triệu ngôi sao lung linh trong khoảng không gian mênh mông, cao vời.  Bạn sẽ nhìn ngắm không chán một bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên mà mình chưa từng thấy, sẽ cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước sự vĩ đại của vũ trụ mà Thượng Đế đã tạo nên.  Bạn sẽ nghĩ về một thế giới rất xa, rất đẹp và rất thơ. Thế giới đó được bao phủ bởi muôn vàn hạt kim cương lóng lánh.  Lạc vào trong cõi thần tiên đó, bạn sẽ đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác, quên hẳn cõi trần mình đang sống.  Bạn mơ về một chuyến viễn du, có vì sao dẫn lối trong đêm tối và khi hừng đông về, thuyền sẽ ghé bến an bình.  Trong niềm mơ bất tận, bạn sẽ đi vào giấc ngủ yên lành lúc nào không biết. 
Hơi viễn vông một chút, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình sinh ra dưới ngôi sao nào.  Bạn hi vọng rằng mình không sinh ra dưới “một ngôi sao xấu” như một nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, nhưng dưới một “ông sao” bổn mạng đem đến nhiều vận may và hạnh phúc. “Ông sao”, như người bình dân thường gọi, hàm chứa lòng tôn kính của con người đối với sự vĩ đại của trời cao.  Dưới những vì sao sáng, một cảm giác thiêng liêng sẽ đi vào cõi lòng, khiến bạn ý thức rằng có một đấng Thượng Đế tối cao đang tể trị vạn vật và cả cuộc đời của mình.  Mỗi hành tinh trong muôn vàn tinh tú đó xoay vần theo một qũy đạo đã được bàn tay khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá định sẵn.  Người ta tin rằng mỗi một dấu hiệu thay đổi lạ trên trời cao là một điềm báo về một sự kiện quan trọng sẽ xảy ra dưới đất, là một thông điệp Thượng Đế báo cho con người. Hơn hai ngàn năm trước đây, thôngđiệp đó đã đến với nhân loại


Vào thời ấy, có một ngôi sao kỳ lạ xuất hiện. Rất rõ và rất sáng để không thể nhầm lẫn được.  Ngôi sao ấy đã làm thay đổi lịch sử của nhân loại.  Ngôi sao này là một siêu sao mới (supernova-siêu tân tinh), từ lâu đã là mối tranh cãi của các nhà thiên văn học. Vào năm 1604, nhà toán học Johannes Kepler đã tính được vị trí các hành tinh vào thời Chúa giáng sinh, cũng tìm được sự giao hội đặc biệt của các chòm sao trong nhóm Song Ngư vào năm thứ 7 trước công nguyên, có nghĩa là sao Mộc và sao Hỏa gặp nhau trên bầu trời nhưng vẫn cách nhau một khoảng gần bằng đường kính của mặt trăng. Vài năm sau đó Mộc tinh tiến gần sao Vệ Nữ là một ngôi sao sáng. Sau đó một thời gian, hai sao trên lại gặp nhau nhưng không va chạm, như tạo thành một ngôi sao lạ, sáng chói khắp miền Trung Đông.
Đó là ánh sao miền Đông xuất hiện trong đêm Chúa giáng trần tại Bết lê hem mà Thánh Kinh đã ghi lại.
Có ba nhà thông thái từ miền đông nhìn thấy ánh sao đó. Họ là ba nhà thiên văn học, có quyền chức và giàu sang. Họ là những người dân ngoại, nhưng vẫn luôn luôn theo dõi các vì sao và trông mong ngày ngôi sao xuất hiện.  Người Do thái, tuyển dân của Chúa, lại hờ hững không tìm kiếm Chúa Giê xu, nhưng những nhà thông thái này lại trông mong ngày Chúa đến.  Điều này nhắc nhở chúng ta rằng nhiều khi những kẻ ở cận kề Chúa lại là những kẻ trong lòng xa cách Ngài nhất.  Về phần các nhà thông thái, điều gì đã khiến họ lên đường tìm đến hài nhi Giê Xu?  Thấy môt ngôi sao lạ chưa từng thấy bao giờ, họ biết rằng đó là dấu hiệu của một đấng rất lạ lùng đã được sinh ra tại xứ Giu Đê, nơi ánh sao đang toả sáng.  Không ngại đường xa, không ngại chuyến hành trình đầy gian khổ, họ lên đường đi tìm Chúa.  Câu hỏi của họ là: “Chúa sinh tại đâu?”  Họ chắc chắn một điều: Chúa đã giáng sinh, và họ muốn biết nơi đâu.  Họ không hoài nghi về việc Chúa có sinh ra hay không, họ hoàn toàn xác tín điều này. 
Có lẽ họ nghĩ rằng là vị Vua đó sẽ sanh ra ở nơi cung điện, nên họ vào cung để thăm hỏi.  Nhưng  chẳng ai biết gì về một vì Vua sắp sinh ra.  Trái lại, họ làm cả triều đình hoang mang bối rối, khi nghe tin Vua dân Giu đa đã ra đời.  Vua phải mời các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo vào cung để hỏi tin.  Điều này cũng xảy ra ngày hôm nay với một số người đi tìm kiếm một Cứu Chúa, nhưng không biết phải tìm ở đâu.  Họ đến nơi đền đài tráng lệ, nguy nga, những nơi điện thờ rực rỡ, nghĩ rằng Ngài đang ở những nơi sang trọng đó, để rồi thất vọng.


Rời cung điện, ba nhà thông thái lại tiếp tục cuộc hành trình.  Chẳng có ai từ thành Giê ru sa lem, không một thầy thông giáo, một chức sắc trong triều đình hay một người dân trong thành đi theo.  Ba người phương xa, vượt qua bao chặng đường đến để tìm gặp Ngài, nhưng những kẻ ở ngay trong thành thì hững hờ, không đến với Ngài. Điều đáng mừng là ba nhà thông thái không hao mòn về đức tin.  Khi trở về con đường cũ, lúc ấy, ngôi sao sáng lại xuất  hiện và đi đằng trưóc để dẫn đường cho họ.  “Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỗi quá bội.” Mathiơ 2:10
Ngôi sao đó đã đưa họ đến tận nơi Chúa Giê Xu đang ở.  
Chúng ta học đưọc từ những nhà thông thái điều này: kẻ nào đi theo Chúa trong những ngày tăm tối nhất sẽ tìm được ánh sáng đang chờ đón họ.  Ánh sáng trong đêm là biểu tượng của chúa Giê Xu, Ngài là ánh sáng và sẽ luôn đưa đường dẫn lối cho con dân của Ngài.  “như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em (II Phi e rơ 1:19b). Ba kẻ hành hương từ phương Đông tràn trề hi vọng sẽ gặp được Đấng Cứu Thế, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An, họ không ngại đi trong đêm tối, và sao mai đã mọc trong lòng họ.
Thái độ của những nhà thông thái này khi gặp Chúa cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ.  Khi gặp Chúa Hài Đồng, họ sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài. Kinh Thánh không hề chép họ đã sấp mình trước Vua Hê Rốt, vị vua đầy uy quyền lúc bấy giờ, nhưng phủ phục trước một hài nhi, vì biết đấng mình đang đối diện.  Họ biết thân phận mình, biết khiêm cung mà thờ phượng Ngài.  Họ đã gặp được Vua của muôn Vua, Chúa của muôn Chúa, là Đấng Cứu Thế, đấng cứu cả thế gian này khỏi tội lỗi, khỏi sự hư mất.  Vì luôn ngưỡng vọng Ngài, nên họ nghe được tiếng gọi thầm kín thiêng liêng trong lòng mình và đã lên đường để đến với Ngài. Họ kính sợ Ngài nên đã không tuân lệnh truyền của Vua, trên đường về không tiết lộ nơi sinh của Ngài.  Nhờ lòng tin và niềm ao ước tìm được đấng Cứu Thế, họ đã thấy được điều người khác không thấy, và Thượng Đế đã ban cho họ sự thông sáng để ứng xử trước những thử thách của đời.
Cho đến nay, con người đã dày công tìm hiểu và đã tái tạo nhiều công trình đã được ghi chép trong Kinh Thánh. Họ đã thành công trong việc đóng chiếc thuyền của gia đình Nô Ê theo đúng mẫu mực, đã đi lại hành trình của Phao Lô,  đã tìm tòi và bảo tồn các bản Kinh Thánh cổ xưa. Nhưng chưa ai lập lại được một cách trung thực cuộc hành trình của ba nhà thông thái đi tìm Chúa.  Lý do giản dị là ngôi sao miền Đông ấy chỉ xuất hiện một lần.  Rồi thôi.  Con Trời chỉ giáng sinh một lần, chết trên cây thập tự để hoàn thành chương trình cứu rỗi của Thượng Đế cho nhân loại, một lần đủ cả.  Ngôi sao ấy chỉ xuất hiện một lần, nhưng còn ở mãi trong lòng nhân thế.  Ngôi sao ấy đã soi sáng cho bao cuộc đời tìm đến chân lý, đến với sự cứu rỗi, đến với niềm bình an và hi vọng.
Thánh Kinh đã ghi lại những sự việc đã xảy ra trong đêm Chúa Giáng Sinh, với các nhân vật đến từ nhiều nơi khác nhau, có những đời sống khác nhau.  Giữa những người đó và Bết Lê Hem, với ánh sao toả sáng, có những khoảng cách khác nhau.
Xa nhất là những nhà thông thái. Họ là biểu tượng của tri thức loài người, nhưng họ vượt qua được sự tầm thường của thế nhân.  Nhiều khi tri thức làm chúng ta không đến gần với Chúa được. Chúng ta biết Chúa. Chúng ta biết về ánh sao Bết Lê Hem. Chúng ta hứa sẽ đến với Ngài.  Nhưng chúng ta chần chờ, hẹn nay hẹn mai.  Chúng ta đang quá bận rộn để trau dồi thêm tri thức.  Chúng ta ngại rằng chuyến đi gặp Chúa sẽ rất gian khổ, đầy khó khăn, sẽ ảnh huởng đến cuộc sống an định của mình.
Giô Sép cũng xa không kém.  Lòng Giô Sép chắc không mấy vui vì phải từ Na Xa Rét đi đến thành Đa Vít để ghi danh vào sổ thuế của người La Mã đang thống trị quê hương mình. Lòng ái quốc làm cho Ông bị tổn thương và hành trình đến Bết Lê Hem lại thêm khổ nhọc với Mari sắp đến ngày sinh nở.
Đối với Ma ri, đường đến Bết Lê Hem cũng xa xôi và đầy truân chuyên.  Nỗi lo âu của một người đàn bà mang thai sắp đến ngày sanh lại phải trải qua cuộc hành trình dài là nỗi lo khôn tả. Nhất là khi người mẹ đó hạ sanh đứa con đầu lòng, là Đấng Cứu Thế, nơi chuồng chiên, máng cỏ

.
Mấy gã mục đồng gần ánh sao hơn. Họ gần Chúa Giáng Sinh về khoảng cách cũng như về tấm lòng. Không ngần ngại, không thắc mắc, họ nghe tiếng hát thiên thần và nhanh chân đến thờ lạy Ngài


Tất cả những nhân vật đó, đến từ nhiều nơi, từ những giai tầng khác nhau trong xã hội, với những bối cảnh gia đình khác nhau, đã hội tụ tại Bết lê hem, đã hợp lại tạo nên một bức tranh tuyệt vời về sự liên kết của những kẻ gần xa chào đón Chúa ra đời. Sự hiện hữu của họ làm cho chúng ta hiểu rõ về sứ điệp Giáng sinh: Chúa đến cho mỗi người và mọi người, không phân biệt tuổi tác, màu da, chức phận trong đời. 
Còn Vua Hê rốt thì sao? Ông ở trong một thế giới nằm bên ngoài ngôi sao đó. Không có khoảng cách nào lớn hơn sự xa cách giữa vị vua trần thế này và Vua Thiên Thượng. Xa đến nỗi sự xuất hiện của ngôi sao miền Đông đã làm Ông lo sợ. Ông không hề nghĩ đến việc theo ánh sao mà đi.

.
Câu chuyện giáng sinh trong Kinh Thánh khiến chúng ta suy nghĩ: sao miền Đông đang ở nơi nào trong cuộc đời chúng ta?  Cuộc đời của bạn và tôi.  Khoảng cách ấy tùy thuộc vào lối suy nghĩ, vào niềm tin của  mỗi người.  Chúng ta có nhanh chân như các gã mục đồng, hay không thể bước ra ngoài những giá trị vật chất đang bao quanh chúng ta,  như cung điện bao quanh Vua Hê rốt, làm Ông không thể theo ánh sao mà tìm đến thờ lạy Con Trời.
Bạn ơi, trong lúc phố phường thay áo mới, khi không trung vang vang những bài thánh ca, trong ánh sáng lung linh của hoa đèn, bên những gói quà dưới cây thông trang hoàng đủ màu sắc,  trong không khí rộn ràng đón mừng ngày kỷ niệm Chúa giáng trần, bạn có bao giờ nghĩ về một vì sao sáng?  Một vì sao đã soi đường cho nhân loại qua bao thời đại. Bạn có đang nhắm hướng sao ấy mà đi?  Bạn có tìm đến tôn thờ Chúa Thượng Đế Ngôi Hai đã giáng sinh? 
Bạn thân mến, hương sắc rồi cũng phai tàn và nét thanh xuân sẽ không còn đọng mãi trên làn mi, mái tóc của con người. Đời người sẽ chóng qua, bạn không nên chần chờ nữa. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao?


Trong mùa Giáng Sinh này, ước mong sao miền Đông, vì sao vĩnh cửu, sẽ chiếu sáng và hướng dẫn cuộc đời của bạn đi trong vinh quang Thiên Chúa.
Nguyễn Anh Đào

Tình Yêu Thiên Chúa Dành Cho Tôi