Wednesday, September 21, 2016

Tại sao việc xấu xãy ra cho người tốt lành.

Why bad thing happens to good people?

Đó là câu hỏi trí khôn loài người không trả lời được.
Nếu cố trả lời theo sự khôn ngoan con người, câu trả lời thường gượng ép và không thuyết phục.
Thậm chí thay vì an ủi và chia xẻ nổi đau của người bị hoạn nạn và thử thách, câu trả lời có thể làm sâu đậm thêm nổi đau của người trong cuộc.

Câu hỏi nầy thường đi kèm hai câu hỏi khác
- Đức Chúa Trời có thực sự toàn năng, và toàn tri không?
- Đức Chúa Trời có thật sự yêu thương và quan tâm đến tôi không?

Khi Chúa Jesus thấy một người mù từ lúc mới sinh. Các môn đồ hỏi Ngài: ai là người đã phạm tội, người nầy hay cha mẹ anh ta, khiến anh ta mới sinh ra đã bị mù?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Không phải vì anh nầy, hay cha mẹ anh đã phạm tội; nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong anh ta. (Giăng 9:1-3)

Khi một người bị hoạn nạn, điều đầu tiên người ta nghĩ là người ấy bị hình phạt do tội lỗi của mình hoặc do cha mẹ, tổ tiên.

Khi cầu nguyện cho một người gặp hoạn nạn hay đau yếu mà chưa thấy trả lời theo ý muốn của mình, người ta thử giải thích vì nạn nhân thiếu đức tin, hay còn chứa chấp tội lỗi.

Người tín đồ mới sau khi thấy mình không phạm tội trọng nào cách tỏ tường, sau khi cố gắng sống đạo và nương cậy nơi Chúa, mà hoạn nạn không cất đi, sẽ bị cám dỗ mà nghĩ rằng, mình không được Đức Chúa Trời thương, hay ít ra thương không bằng những tín đồ khác.

Hoặc thậm chí bị cám dỗ mà nghĩ rằng có thật Đức Chúa Trời toàn năng không? và thối lui trong đức tin.

Mặc dù chúng ta không thể trả lời câu hỏi: Tại sao việc xấu xãy ra cho người tốt lành. Nhưng Kinh thánh cho chúng ta biết mọt số điều chắc chắn:
1) Chúng ta đang sống trong thế giới sa ngã. Thế giới bị rủa sả do tội lỗi của tổ phụ A đam và Ê va, thế giới đang ở dưới quyền lực cai trị của thế lực tối tăm là Sa tan và ma quỉ.
Chúng ta đang ở giữa Vườn địa đàng Ê đen đầy phước hạnh và thiên đàng mà Kinh thánh mô tả là không còn nước mắt.
Trong thế giới ở giữa đó người tốt và người xấu đều có thể gặp thiên tai, địch họa, và nhân họa.

Đức Chúa Trời chẳng những biết sự đau khổ của nhân loại, mà Ngài còn chia xẻ đau khổ đó.
Ngài thực hiện một giải pháp hiệu quả và rốt ráo để giải quyết vấn đề đau khổ của loài người. Ấy là Ngài đã cho con Ngài chịu hình phạt đau đớn thay cho nhân loại trên thập tự giá.

Và trong khi mỗi người tin Chúa đang còn ở trần gian, họ bị hoạn nạn như mọi người khác vẫn bị. Điều khác biệt là họ không đi một mình, mà có Đức Chúa Trời đi cùng, và Hội thánh là thân thể của Ngài cùng đi.

2) Sa tan có thể thắng vài trận nhỏ, nhưng không thể thắng cuộc chiến. Ma.16:18b "các cửa âm phủ không thắng được Hội thánh"
Trong Khải huyền 17:14 Lời Chúa cho chúng ta biết  "Chiên Con sẽ chiến thắng chúng, vì Chiên Con là Vua của các vua, Chúa của các chúa"

3) Điều thứ ba sự hoạn nạn thử thách tự nó chưa phải là đau khổ hay hạnh phúc. Chúng ta hiểu biết chỉ giới hạn. Nên đôi khi những điều khoái lạc mà ma quỉ đem đến cho chúng ta, đến cuối cùng chúng ta mới biết đó là tối tăm đau khổ. Thí dụ như những khoái lạc do ma túy, cờ bạc, rượu chè, trác táng ...
Trái lại qua kinh nghiệm theo Chúa nhiều Cơ đốc nhân biết rằng các hoạn nạn thử thách đến cuối cùng được Chúa biến nên điều vui mừng.
Tương tự một bà mẹ chịu đau đớn của sự sanh nở, đã nhận được sự vui mừng khi có một đứa bé dễ thương chào đời.

Hãy biết rằng Đức Chúa Trời có thể biến những khó khăn thành ra cơ hội.

Kinh thánh nói rằng: sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu, (2 Cô.4:17)

Trong quyền tể trị của Đức Chúa Trời Ngài sẽ khiến cho "mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời" (Rô.8:28)

Trong con mắt đời đời của Đức Chúa Trời 100 năm trên đất thật ngắn ngủi và chóng qua, như hơi thở, hay giọt sương mai. Đó chỉ là thời gian để chuẩn bị cho cõi đời đời. Cõi đời đời sống đau khổ trong hỏa ngục hay sống phước hạnh trên thiên đàng. Đó mới là điều quan trọng.

Đối với người đặt niềm tin nơi Chúa, cõi đời đời là nơi phước hạnh. Vì vậy sự chết  đối với Chúa và người theo Ngài chỉ là cánh cửa để từ thế giới đầy thử thách bước vào thế giới bình an và phước hạnh. Bên sau cánh cửa đó Cứu Chúa yêu dấu dang tay chào đón người con trở về nhà Cha.

Vì vậy đối với Cơ đốc giáo sự chết (dù dưới hình thức nào) không liệt vào "cái khổ" như bao nhiêu triết thuyết không có niềm hy vọng.

Vậy thì chúng ta không cố gắng và cũng không thể trả lời câu hỏi tại sao điều xấu xãy đến cho người tốt lành? Nhưng khi nhìn hoạn nạn thử thách và đời sống theo cái nhìn của Chúa và Thánh kinh, chúng ta không hoang mang sợ hãi nản lòng, mà thêm lòng tin cậy nơi Cha yêu dấu ở trên Trời, cũng là Đấng đang ở cùng chúng ta, và chia xẻ mọi cảnh ngộ của chúng ta.

ỨNG DỤNG THỰC HÀNH:
Khi đến thăm viếng người bệnh hay người đang gặp thử thách:
1) Luôn nhớ rằng chúng ta thương yêu họ, và muốn họ vơi đi nổi lo buồn. Hết sức tránh tạo mặc cảm tội lỗi, hay mặc cảm bị hình phạt. Nếu đó là điều Đức Thánh Linh phán riêng với người ấy; việc chúng ta làm là an ủi và khích lệ, chứ không phải kết án.
2) Cảm thông và chia xẻ hoàn cảnh của họ. Cách tốt nhất là yên lặng. Sự hiện diện của chúng ta nói nhiều hơn lời nói.
3) Đừng cố giải thích lý do của hoạn nạn và thử thách. Đức Chúa Trời không cần chúng ta làm trạng sư bênh vực Ngài. Ngài cần trái tim của chúng ta để đem sự hiện diện của Ngài đến với người cần được an ủi.
4) Hãy cầu nguyện cho họ. Và nếu thuận tiện cầu nguyện với họ. Qua lời cầu nguyện bày tỏ lòng tin cậy rằng Đức Chúa Trời đang hiểu, đang cảm thông nổi đau của họ, và Ngài đang cùng gánh vác, và xẻ chia nổi đau đó.
5) Đừng hứa hay công bố rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ chữa lành hay giải cứu theo ước muốn của người đang gặp hoạn nạn; hoặc cầu nguyện ra lệnh cho Đức Chúa Trời làm theo ý muốn của bạn.
6) Nhưng hãy tha thiết kêu xin sự nhân từ thương xót của Chúa. "người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều." (Gia.5:16)
7) Hãy lắng nghe, và nhạy bén để nhận ra những khó khăn, và nhu cầu của người gặp thử thách và gia đình họ. Sốt sắng giúp đỡ cụ thể, trong khả năng của bạn, để đáp ứng nhu cầu ấy và làm vơi bớt khó khăn của họ.

KẾT LUẬN:
Hãy làm cho người đang gặp thử thách cảm nhận ra rằng họ không lẻ loi và cô đơn trong hoạn nạn mà họ đang gặp. Trái lại họ là một thành viên của gia đình Đức Chúa Trời, Đấng có thật và ở rất gần, cũng là Đức Chúa Trời tể trị và tốt lành.
MS Lê Phước Thuận