Saturday, August 31, 2013

Dẫn Nhập Thơ Ê Phê sô

Lời giới thiệu

Các Hội thánh của chúng ta đã ra đời theo đủ các kiểu dáng - những buổi họp bí mật trong các nhà riêng ; những buổi nhóm lại công khai trong các hí viện, những buổi nhóm thờ phượng, với hàng ngàn người chen chúc nhau trong ngôi thánh đường, trong khi đám quần chúng đông đảo theo dõi trên các máy thu hình; những nhóm người ít ỏi quỳ gối trước những nhà kho ở thành thị. Các công trình xây dựng có khác nhau, nhưng Hội thánh không hề bị giới hạn bên trong bốn bức tường mà thôi. Hội thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là người ta, là dân Ngài, thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia - những con người yêu mến Chúa Cứu Thế và tận hiến để phục vụ Ngài. “Thời đại của Hội thánh” bắt đầu vào ngày lễ Ngũ tuần (Cong 2:1-29) . Được khai sinh tại Giê-ru-sa-lem Hội thánh đã lan tràn nhanh chóng nhờ chức vụ của các sứ đồ và tín hữu đầu tiên. Cơn bắt bớ bách hại đã “quạt” lên ngọn lửa truyền giáo phúc âm, và bởi đó ngọn lửa Phúc âm tiếp tục tràn sang nhiều thành phố và quốc gia khác. Trong ba vòng lưu hành truyền giáo đầy can đảm, Phao-lô và những cộng sự đã thiết lập nhiều Hội thánh địa phương trong nhiều thành phố ở ngoài quốc gia Do Thái.

Một trong số những Hội thánh nổi bật nhất, là hội thánh tại Ê-phê-sô. Nó được thiết lập năm 53 SC trong chuyến trở về Giê-ru-sa-lem của Phao-lô. Nhưng rồi Phao-lô đã trở lại đó một năm sau, trong vòng lưu hành truyền giáo thứ ba của ông, rồi ở lại đó ba năm liền, giảng dạy rất thành công (Cong 1:1-20) . Có một lần khác Phao-lô đã gặp các trưởng lão người Ê-phê-sô, và ông phái Ti-mô-thê đến để phục vụ với tư cách lãnh đạo của họ (ITi 1:3) . Chỉ vài năm sau đó, Phao-lô bị giải đi Rô-ma như một tội nhân. Tại Rô-ma, ông được nhiều sứ giả từ nhiều Hội thánh đến thăm, kể cả Ti-chi-cơ của Hội thánh Ê-phê-sô. Phao-lô đã viết bức thư này cho Hội thánh và Ti-chi-cơ mang về. Thư Ê-phê-sô không được viết nhằm chống lại một tà giáo hay trực diện với một vấn đề đặc thù nào cả, mà là một bức thư khích lệ. Trong đó, Phao-lô mô tả bản tính và dáng vẻ của Hội thánh, rồi ông thách thức các tín hữu hãy hoạt động với tư cách một thân thể sống động của Chúa Cứu Thế trên đất này.

Sau lời chào thăm nồng ấm (1:1,2) Phao-lô khẳng định bản tính của Hội thánh - một sự kiện quang vinh là các tín hữu trong Chúa Cứu Thế đã được lòng nhân từ của Đức Chúa Trời nhuần gội (1:3-8), được chọn để trở nên cao trọng (1:9-12), được Đức Thánh Linh ấn chứng (1:13,14), được đổ đầy quyền năng Thánh Linh (1:15-23), được giải phóng khỏi sự nguyền rủa và ách nô lệ của tội lỗi (2:1-10), và được đưa đến gần Đức Chúa Trời (2:11-17). Là một thành phần trong “nhà của Đức Chúa Trời”, chúng ta cùng đứng chung với các nhà tiên tri, sứ đồ, người Do-thái, người ngoại quốc, và chính Chúa Cứu Thế (2:19-3:13) . Rồi như bị cảm xúc vì nhớ lại tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm xâm chiếm, Phao-lô thách thức người Ê-phê-sô hãy sống mật thiết với Chúa Cứu Thế, ông reo lên thành một bài ca tụng hồn nhiên tự phát (3:14-21).

Tiếp đó Phao-lô chuyển mối quan tâm của ông sang các hàm ý của việc được ở trong thân thể của Chúa Cứu Thế, là Hội thánh. Các tín hữu phải hợp nhất trong việc tận hiến cho Chúa Cứu Thế và việc sử dụng các ân tứ thuộc linh của họ (4:1-16). Họ phải đạt được các chuẩn mực đạo đức cao nhất (4:17-6:8). Đối với từng cá nhân, điều này có nghĩa là phải từ bỏ các tập tục ngoại đạo (4:17-5:20), còn đối với gia đình, thì điều này có nghĩa là mọi người đều phải thuận phục và yêu thương nhau (5:21-6:9).

Rồi ông nhắc nhở họ rằng Hội thánh là một mặt trận thường xuyên chống trả các lực lượng của bóng tối, nên họ phải tận dụng mọi loại vũ khí thuộc linh sẵn có (6:10-17). Ông kết luận bằng cách yêu cầu họ cầu nguyện, sai phái Ti-chi-cơ, và đọc một lời chúc phước (6:18-24).

Trong khi bạn đọc phần mô tả chủ yếu về Hội thánh này, hãy cảm tạ Đức Chúa Trời về tính cách vừa đa dạng vừa hợp nhất trong gia đình Ngài, cầu nguyện cho các anh chị em mình trên khắp thế giới, và càng sống gần gũi mật thiết hơn với các tín hữu trong chi hội địa phương của bạn.

Các đặc điểm quan trọng:

Để giúp các tín hữu tại Ê-phê-sô củng cố đức tin đặt vào Chúa Cứu Thế bằng cách giải thích bản tính và chủ đích của Hội thánh, là thân thể của Chúa Cứu Thế.

Trước giả: 

Phao-lô

Đọc giả: 

Hội thánh tại Ê-phê-sô và toàn thể tín hữu ở khắp nơi.

Niên đại viết thư: 

Khoảng 60 SC, từ Rô-ma, trong thời gian Phao-lô bị tù tại đó.

Bối cảnh:

Bức thư này đã không được viết nhằm trực diện với bất kỳ một tà giáo hay vấn đề nào trong Hội thánh. Nó đã được gởi đến cùng với Ti-chi-cơ, nhằm củng cố và khích lệ các Hội thánh trong khu vực ấy. Phao-lô từng sống hơn ba năm với Hội thánh Ê-phê-sô. Kết quả là ông đã trở thành hết sức thân thiết với họ. Phao-lô vừa gặp các trưởng lão của Hội thánh Ê-phê-sô tại Mi-lê (Cong 20:17-38) - một buổi họp đầy dẫy nỗi buồn vì ông sắp từ giã họ mà ông nghĩ là lần cuối cùng. Vì không thấy có câu nào đề cập riêng về hội chúng hay các vấn đề của Hội thánh tại Ê-phê-sô, và vì mấy chữ “ở thành Ê-phê-sô” (1:1) vốn không thấy có trong một số cổ bản, có lẽ ý định của Phao-lô là dùng bức thư này làm một thư luân lưu để đọc cho tất cả các Hội thánh trong khu vực ấy.

Câu chìa khoá: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người” (Eph 4:4-6)


(Life Application Bible)