Monday, May 29, 2017

Ân Ðiển Diệu kỳ - Lời chứng về sự chữa lành của Chúa

      Tôi muốn nhân cơ hội này để làm chứng Chúa đã kêu gọi tôi như thế nào và Ngài đã ban ân điển cho cuộc đời của tôi ra sao.

     Tôi sinh ra, lớn lên khỏe mạnh, trong gia đình không có ai bệnh tim mạch. Lập gia đình năm 76. Năm 1979, tình cờ trong một lần thử nghe tim cho tôi, nhà tôi phát hiện ra tôi bị loạn nhịp tim. Thời gian đầu, chúng tôi không dùng thuốc mà chỉ cầu nguyện để xin Chúa chữa lành. Sau đó tôi lần lượt sanh hai con một gái, một trai bình thường khỏe mạnh.

     Vài năm sau đó, tôi bắt đầu cảm biết những cơn mệt. Nhà tôi đưa tôi vào bệnh viện Chợ Rẩy để làm điện tâm đồ (ECG) vì lúc đó chỉ các bệnh viện lớn mới có máy đo. Kết quả điện tâm đồ ghi nhận là tôi bị Ngoại Tâm Thu Trên Thất (Atrial extrasystole), bệnh không có gì nguy hiểm lắm. Dầu vậy vì cớ tôi bị mệt nên các Bác sĩ chuyên khoa tim mạch cũng đề nghị vài loại thuốc uống để làm mất những cơn loạn nhịp. Tuy nhiên tim tôi cũng không đáp ứng với các loại thuốc này.

     Bệnh tôi diễn biến ngày càng phức tạp hơn, nhịp tim đôi lúc rất nhanh, đôi lúc lại rất chậm. Tôi thường phải vào Viện Tim ở Sài gòn (một bệnh viện chuyên ngành tim mạch) để khám bệnh, Bác Sĩ phó giám đốc trực tiếp khám và làm các xét nghiệm, và chẩn đoán là Wolff-Parkinson-White syndrome. Ðiều trị ngoại trú và uống thuốc cũng không đáp ứng, lại còn có thêm những cơn Ngọai tâm thu thất (Ventricular Extrasystole) kèm theo.

     Sau đó tôi vào bệnh viện Thống Nhất để điều trị nội trú và theo dõi bệnh. Ðuợc Giáo Sư Bác Sĩ  đầu ngành tim mạch TP điều trị. Ỏ bệnh viện này có nhiều máy móc về hồi sức cấp cứu tim mạch cùng đủ mọi loại thuốc quí hiếm vào thời đó. Sau khi làm các xét nghiệm, tôi được định bệnh là “Suy Nút Xoang” (Sick sinus syndrome). Thường thì mỗi lần nằm bệnh viện như vậy kéo dài nhiều tuần lễ. Thế nhưng bệnh không thuyên giảm mà trái lai càng lúc càng nặng hơn, thường xuyên có những cơn rung nhĩ (Atrial fibrillation) và đôi lúc cuồng nhĩ (Flutter).

     Trường hợp của tôi được đưa ra hội chẩn khi có các giáo sư chuyên gia về Tim Mạch ở Pháp và Mỹ sang tham dự những hội nghị huấn luyện về tim mạch tại Sài gòn. Uống các thứ thuốc mà các Bác sĩ đó khuyên dùng cũng không đáp ứng. Cuối cùng họ đề nghị phải đốt nút nhĩ thất (catheter radiofrequency ablation) và gắn máy tạo nhịp (Pace maker). Một phương pháp điều trị mới vào thời điểm đó ở Pháp và ở Mỹ.

     Nhiều lúc tôi đã đứng trước ngưỡng cửa của sự chết. Trong sự tuyệt vọng, đôi lúc tôi đã trối lại với nhà tôi, bởi tôi nghĩ tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Chúng tôi cứ tiếp tục cầu nguyện và Hội Thánh của chúng tôi cũng cầu nguyện rất nhiều để xin Chúa chữa lành cho tôi.

     Cho đến một ngày các Giáo sư đầu ngành tim mạch ở VN (khoảng năm 97) khuyên chúng tôi sang Mỹ chữa trị. Nếu được đưa qua Mỹ chữa trị thì chắc tôi có hi vọng sống sót thêm một thời gian nữa. Thế nhưng làm sao mà có được visa đi Mỹ chữa bệnh, vào những năm đó visa đi chữa bệnh còn rất hiếm hoi, và thủ tục cũng rất khó khăn. Dầu vậy, trong chương trình của Chúa, Ngài đã mở đường một cách lạ lùng. Với sự nhiệt tình quan tâm lo lắng, anh chị tôi – Ông Bà Ân Huệ Hirashiki - đã lấy đức tin tiến hành thủ tục. Một bác sĩ tim mạch của bệnh viện Hackensack-New Jersey sau khi xem xét hồ sơ bệnh án của tôi, cho biết là bệnh này là một loại loạn nhịp tim đe dọa tánh mạng (Life Threatening Arrhythmia). Ông nhận điều trị bệnh cho tôi, người nhà chịu hoàn toàn chi phí. Rốt cuộc tôi cũng có được visa đi Mỹ chữa bệnh, có nhà tôi cùng đi để chăm sóc.

         Chúng tôi lên đường ngay. Ðến Mỹ ngày hôm trước hôm sau tôi gặp bác sĩ. Sau đó tôi được đưa vào bệnh viện để tiến hành làm thủ thuật. Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ bảo tôi cần phải uống thuốc chống đông máu vì họ nhận thấy tôi bị rung nhĩ có nguy cơ tạo cục máu đông trong buồng nhĩ, và gây nên stroke rất nguy hiểm.

       Sau đó qua đề nghị của một vài tín hửu Hội Thánh NY, chúng tôi đến bệnh viện lớn tại New York là Bệnh viện Columbia Presbyterian. Tại đây sau khi tiến hành lại các xét nghiệm và làm các nghiệm pháp, Bác sĩ cho biết làm thủ thuật đốt nút nhĩ thất (Radio Frequency Ablation) là hủy hoàn toàn hệ thống tự động của tim, rồi gắn máy tạo nhịp, tim sẽ đập theo nhịp tạo ra bởi máy.  Bác sĩ tỏ ý lo ngại vì chúng tôi phải trở về Việt nam, nếu máy bị trở ngại, không hoạt động, tại Việt nam không có phương tiện cấp cứu, chỉ có một con đường là chết.

      Chúng tôi đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tôi không muốn được điều trị theo cách đó. Vì vậy tình trạng thật tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đó, tôi cầu nguyện Chúa thật nhiều, và Chúa đã trả lời tôi qua câu Kinh Thánh II Cô- rinhtô 12: 9 “Ân điển ta đủ cho con rồi, vì sức mạnh  ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của con”, và tôi đã thay đổi lời cầu xin Chúa, thay vì cầu xin Chúa “cất bệnh này khỏi con” thì tôi cầu xin: “Nếu Ngài muốn con mang bệnh này để làm sáng danh Chúa thì xin Chúa cho con có đủ sức để chịu đựng nó". Tạ ơn Chúa vô cùng, Ngài đã nhậm lời tôi. Chúng tôi trở về VN mà không nhận một phương pháp chữa trị nào.

       Lạ lùng thay, sau ngày trở về VN tôi không còn mệt nữa dù chỉ một lần. Dầu vậy tôi chưa dám bỏ thuốc uống (những thứ thuốc mà trước nay tôi vẫn thường dùng). Để đáp lại ân điển và phép lạ của Chúa tôi vâng theo tiếng gọi của Ngài và theo lời mời của Hột Thánh New-York, năm 2000 chúng tôi đến hầu việc Chúa với Hội Thánh.

     Một lần nữa, tôi cầu nguyện Chúa để dứt thuốc. Lại một lần nữa Chúa nhậm lời tôi. Cho đến nay đã 20 năm, tim tôi vẫn còn bị Ngoại Tâm Thu tuy không nhiều lắm, nhưng tôi luôn đuợc dồi dào sức khỏe. Từ bấy đến nay tôi chưa bao giờ phải nhờ đến bác sĩ và cũng không uống thuốc. Chúa đã làm một phép lạ lớn lao và đã làm thay đổi đời sống tôi.

     Ân điển Chúa thật diệu kỳ quá cho tôi. Tôi chỉ biết cuối đầu cảm ơn Chúa và tâm nguyện cuộc đời tôi luôn thuôc về Chúa và hầu việc Chúa suốt đời. Muốn thật hết lòng. (Viết tại New York năm 2007 - cập nhật năm 2017)
          Bà LÊ PHƯỚC THUẬN

Sunday, May 28, 2017

Khi Chúa đáp lời

Khi Chúa đáp lời

Oneway.vn – Sinh ra trong gia đình đạo Phật nhiều đời, tôi có niềm tin rất lớn vào Phật giáo. Tôi thường đọc kinh mỗi tối và luôn cố giữ gìn Ngũ giới. Gia đình tôi rất thành kiến với người Tin Lành vì nghĩ rằng họ hay “dụ” người ta theo đạo, nên luôn tránh né họ…


Anh Nguyễn Huy Hoàng và con trước khi tin Chúa (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Tôi là Phật Tử

Tôi cũng không tin vào Thiên đàng, Địa ngục, Đấng Tạo Hóa hay Chúa Cứu Thế. Với tôi, tất cả chỉ là sự thêu dệt của Thiên Chúa Giáo để hù dọa, làm người khác sợ hãi. Đối với tôi, Phật Giáo từ bi và phù hợp với cách suy nghĩ của mình. Tôi tin vào Thuyết Luân hồi, rằng người ta có thể tu thân tích đức để tự cứu lấy mình; và quan niệm nếu khi chết đi mà chưa đủ công đức để về cõi Niết Bàn, ít ra tôi cũng được “đầu thai” làm người ở kiếp khác. Tôi cũng tin vào Thuyết Tiến hóa của Darwin: loài người tiến hóa từ khỉ; vũ trụ này được tạo ra bởi Big Bang (một tiếng nổ lớn) và không có Đấng Tạo Hóa. Tôi vui thỏa trong niềm tin đó và luôn tự hào mình có một đời sống tốt hơn so với nhiều người khác…

Thoáng thấy Chúa, nhưng chưa “gặp” Ngài


Cứ thế, đến năm 2003 tôi lập gia đình với một người Tin Lành, nhưng tôi không tin Chúa mà còn bắt vợ phải cải đạo theo tôi. Sau hơn 3 năm, khi vợ tôi muốn đi nhà thờ trở lại “vì không thấy bình an” – cô ấy chia sẻ. Tôi nổi giận và suýt nữa ly dị. Sau đó, vì thương con nhỏ dại và cũng cảm nhận được vợ tôi thay đổi, vui vẻ hơn mỗi khi được đi nhà thờ nên tôi miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng tôi nhất quyết bắt con phải theo đạo Phật.

Sau nhiều năm và nhiều lần hục hặc vì khác niềm tin, Chúa bỗng cho tôi cơ hội được gần gũi, trò chuyện với những người bạn Tin Lành của vợ. Nhiều người hơi “cuồng tín” nên tôi không thích, nhưng cũng có nhiều người rất chân tình, và tôi cảm nhận được tình yêu thương của họ dành cho vợ chồng tôi mỗi khi chúng tôi gây gổ, đòi bỏ nhau. Mãi tới năm 2012, tôi bắt đầu biết chở vợ đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật, dầu chỉ ngồi bên ngoài chờ vợ nhóm xong.

Một vài lần tôi cũng đọc thử Kinh Thánh, thử nghe ngóng xem Mục sư giảng cái gì, nhưng thực sự vẫn không hứng thú lắm và Kinh Thánh theo tôi vừa khó hiểu, vừa hoang đường. Tôi cho rằng Kinh Thánh cũng dạy những điều hay lẽ phải như kinh Phật, và điểm khác biệt lớn nhất là người Tin Lành tin vào Đấng Tạo Hóa, vào Chúa Cứu Thế Jesus và Đức Thánh Linh. Nhưng thật tiếc tôi lại chẳng tin những điều này. Tôi còn nghi ngờ thông tin trong Kinh Thánh đã được con người sửa chữa, tổng hợp, viết lại…

Theo tôi, một người vô thần sẽ dễ cải đạo theo Tin Lành, nhưng với một người đã tuyệt đối sùng bái Phật giáo như tôi sẽ rất khó thay đổi. Tuy nhiên, với đầu óc khá cởi mở, tôi “thách thức” Kinh Thánh và Đức Chúa Trời rằng nếu Chúa có thật thì hãy nhận lời cầu nguyện của tôi một cách rõ ràng, bằng một phép lạ nào đó xảy ra, để tôi có bằng chứng trả lời với bất cứ ai hỏi tôi lý do cải đạo.



Gặp Chúa


Cuối năm 2014, bỗng dưng tôi cảm thấy khó chịu về tình trạng cứ lui tới nhà thờ mà không tin Chúa của mình, nên quyết định hoặc bỏ, hoặc phải tin Chúa. Rồi tôi nghĩ mình nên đọc kỹ Kinh Thánh một lượt trước khi quyết định. Tôi lập kế hoạch tập trung tìm hiểu lời Chúa trong năm 2015, mỗi ngày 30 phút đọc và cầu nguyện. Tôi nói: nếu Chúa có thật, hãy tỏ cho tôi biết thì tôi mới tin.

May thay tôi là người cứng cỏi, khó tin, nhưng cũng không phải kẻ lì lợm, bướng bỉnh một cách ngu ngốc. “Nếu nhận thấy rõ ràng Chúa có thật, tôi sẽ tin ngay” – tôi tự nhủ. Tôi muốn ngày này năm sau, tôi phải có câu trả lời rõ ràng từ Chúa. Tôi không chịu nổi tình trạng “hâm hẩm” của mình nữa. Rồi tôi đọc thấy trong Matthew/Ma-thi-ơ 7:7: “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho”. Sau gần 4 tuần đọc liên tục mỗi ngày thì phép lạ xảy ra.

Sáng 28/1/2015, vào lúc 5 giờ, tôi thức giấc và nước mắt chảy ròng ròng. Chúa biết tôi làm trong ngành điện tử, nên Ngài đã cho tôi một khải tượng không thể gần gũi hơn: Tôi thấy mình trong hình hài một con robot, đang bước đi từ một vùng tối ra chỗ có ánh sáng. Bỗng dưng một bàn tay thò ra ấn vào đầu robot khiến nó bị… mất nguồn, tắt điện hoàn toàn. Rồi cũng bàn tay đó cài vào đầu robot một chương trình mới, xong nhẹ nhàng ấn nút. Robot hoạt động trở lại. Còn tôi thức thức dậy với một trạng thái mới, một tâm hồn mới.

Thật diệu kỳ. Chúa đã lấy ví dụ trực tiếp “bỏ vào đầu tôi”, dạy tôi rằng không có Chúa, tôi và tất cả loài người nói chung chỉ là những con robot. Cho dù có thông minh, giỏi giang đến đâu, vẫn không thể vượt qua khỏi Đấng tạo hóa, tất cả những gì robot “làm” được không nằm ngoài những gì người tạo ra nó đã soạn sẵn.

Tôi nhận ra rằng Chúa chính là Đấng Tạo Hóa, Ngài tạo ra loài người và “bỏ” thẳng suy nghĩ vào đầu họ. Tôi cũng hiểu được rằng loài người không thể tiến hóa từ loài khỉ. Còn bản thân tôi đã được Chúa ban cho quá nhiều ân điển, mặc dù mình chẳng ra gì trước mắt Chúa. Chỉ cần Chúa với tay “tắt điện”, con robot này sẽ vĩnh viễn vô dụng, thân thể này chỉ có thể rữa nát ngoài nghĩa trang.

Chúa quá thương tôi, nên Ngài đã “bỏ” vào đầu tôi một chương trình mới và “bật điện” cho tôi sống lại. Con người cũ của tôi đã chết ngày 28/1/2015, và Chúa đã tái sinh tôi bằng Đức Thánh Linh, cho tôi một cuộc sống mới.



Dâng mình cho Chúa


Vậy thì tôi còn sợ gì nữa mà không dâng hiến cuộc đời còn lại của mình cho Chúa, Đấng đã cứu chuộc tôi? Tôi đã tìm ra mục đích sống cho quãng đời còn lại của mình, và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.

Tôi tiếp tục hỏi Chúa tại sao Kinh Thánh còn nhiều điều khó tin? Và rồi Chúa lại cho tôi thấy hình ảnh một cây thước bay lơ lửng giữa không trung; qua đó Chúa dạy tôi: mấy ngàn năm văn minh của loài người cũng chỉ bằng cây thước nhỏ này thôi, sao tôi có thể lấy cây thước – kiến thức hữu hạn – của mình để đi đo quyền năng vô hạn của Thượng Đế? Với mớ kiến thức nhỏ nhoi hạt bụi mà tôi học được trong hơn 40 năm làm người, đem so với cây thước kia thì nghĩa lý gì mà tôi đã dám dùng nó để thử thách Chúa và định giá Kinh Thánh?

Tôi chợt nhận ra mình quá kiêu ngạo, không phải là kiêu ngạo với loài người nhưng là kiêu ngạo với Thượng Đế. Tôi tưởng mình hiểu biết nhiều lắm, nào khoa học vũ trụ, nào Big Bang, nào con người chỉ là loài khỉ tiến hóa; không có, không biết, không chịu nhìn nhận Đấng Tạo Hóa. Rồi khi đối diện với Chúa, Đấng nắm giữ sự sống cái chết của chính mình, tôi mới biết con người mình thật nhỏ bé, ngu dại.

Thực tế còn rất nhiều điều con người chưa biết và không thể chứng minh được. Chúa nói Kinh Thánh là “Lời Hằng Sống”, nếu tôi có đọc mà không hiểu là bởi vì đầu óc tôi quá nhỏ bé, thiển cận. Tôi hiểu ra rằng thật phước hạnh khi được làm con cái Chúa vì Ngài là Đấng Quyền Năng, Đấng Yêu Thương, và Chúa thật quá yêu con cái của mình.

Giờ tôi mới hiểu tại sao anh chị em Tin Lành hay nói về Chúa, “dụ dỗ”, khuyến khích người ta tin Chúa. Tôi nghĩ họ “dụ” mình, nhưng giờ thì tôi biết họ làm vậy chẳng qua vì tình yêu, vì trách nhiệm, vì thương xót một linh hồn đang bị hư mất mà thôi. Đối với con cái Chúa, dù bạn có là ai, giàu có đến đâu chăng nữa mà không biết Chúa, không có Chúa thì linh hồn của bạn cũng chỉ là một linh hồn bị hư mất đáng được thương xót.

Thật cảm tạ Chúa. Giờ tôi đã hiểu ra rằng những chuyện tôi cho là hoang đường trong Kinh Thánh như Chúa gọi người chết sống lại… không hoang đường nữa, vì chẳng phải Chúa vừa cho tôi chết và vừa gọi tôi sống dậy đó sao? Và những chuyện Chúa cho người mù sáng mắt, người què đi được… cũng chẳng có gì lạ hay hoang đường, vì Chúa chính là Đấng Tạo Hóa, Ngài tạo ra loài người như thể loài người tạo ra con robot, và sửa lại khi nó bị gãy, bị bể mà thôi.

Cảm tạ Chúa đã cho tôi nhận biết Ngài một cách không thể rõ ràng hơn, nhưng không cất đi bất cứ thứ quý giá nào tôi đang có. Giờ đây ngoài người cha ruột đã quá cố, tôi đã có thêm một người cha nữa: Cha Thiên Thượng, Đấng Toàn Năng, Đấng Yêu Thương.


Anh Nguyễn Huy Hoàng và gia đình mình tại San Jose, ảnh chụp năm 2017 (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Phước cho người nào chẳng thấy mà tin


Các bạn nào đang tìm hiểu Chúa nhưng vẫn chưa đủ đức tin, nếu nhờ bài làm chứng này của tôi mà mạnh dạn tin nhận Chúa thì tôi xin chúc mừng bạn! Bạn thật phước hạnh như lời Chúa dạy: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (John/Giăng 20:29)

Còn những bạn đang tìm hiểu và không tin lời chứng này, tôi cũng xin chúc mừng bạn, bạn là người giống con người cũ của tôi: “Thấy mới tin”. Những người như bạn không dễ tin, nhưng khi thấy rồi, kinh nghiệm Chúa được rồi bạn sẽ tin một cách mạnh mẽ, chắc chắn. Các bạn chính là những người Chúa cần: “Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta” (Revelation/Khải Huyền 3:15-16).

Với những bạn vẫn chưa tin Chúa, không muốn tìm hiểu về Chúa và cũng không tin lời làm chứng này, tôi cũng xin được cầu nguyện cho bạn. Mong bạn cứ tiếp tục tìm hiểu về Chúa với tấm lòng rộng mở; chắc chắn một ngày nào đó Chúa sẽ bày tỏ cho bạn thấy Ngài là ai, giống như Ngài đã bày tỏ cho tôi vậy. Kinh Thánh dạy rằng Chúa chỉ xuất hiện với những ai tìm kiếm và sẵn sàng mở lòng đón nhận Ngài: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Revelation/Khải Huyền 3:20)

Sau cùng, tôi tha thiết xin bạn hãy mở lòng mình ra với Chúa, để một ngày nào đó bạn sẽ có cơ hội được Chúa bày tỏ cho biết Ngài là có thật, luôn hiện hữu và đầy quyền năng. Chuyện xảy ra với tôi có thể làm bạn nghi ngờ rằng tôi bị ảo giác, nằm mơ hay tưởng tượng. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được, bạn hoàn toàn có quyền không tin tôi. Nhưng trước khi kết thúc bài viết này, tôi chỉ xin để lại cho bạn câu hỏi: Nếu lời làm chứng này của tôi là thật và Đức Chúa Trời là có thật, thì linh hồn bạn sẽ về đâu khi bạn qua đời mà chưa biết đến Chúa?

Nguyễn Huy Hoàng

(Kỹ sư phần mềm tại Amazon Lab 126, San Jose, CA, USA)

Sunday, May 14, 2017

Thơ Ngày Hiền Mẫu


Ngày Hiền Mẫu con dâng Cha Thánh,
Lúc thiếu thời nuôi nấng các con,
Chiều về mơ bóng quê hương,
Hàng cau rũ ngọn sầu thương tháng ngày.

Công ơn chín chữ cao dày,
Mẹ mang trĩu nặng đến ngày thơ sinh,
Thời gian khổ cực tận tình,
Thuở còn thơ ấu một mình chăm lo.

Xuôi dòng sông nước con đò,
Mai ngày khôn lớn mong cho nên người,
Năm dài mưa nắng ngược xuôi,
Cánh cò lặn lội trời trưa, đêm về.

Sanh con mẹ phải khổ ghê,
Dòng đời cuốn hút bên lề, ra sông,
Chuỗi ngày mẹ phải khổ thân,
Đến khi khôn lớn tính gần tính xa.

Ra đi bỏ Mẹ quê nhà,
Lục bình hoa tím trôi nhoà dòng sông,
Ruộng vườn Mẹ đã lo xong,
Đò ngang lỡ chuyến khó lòng từ nay.

Quê nhà mỏi cánh chim bay,
Sông hồ biền biệt hôm nay phương nào.
Cạn dòng nước đục lao xao ,
Những ngày chiếc bóng con nào có hay.

Thuyền xa bến đổ từ nay,
Trùng dương nổi sóng đêm ngày chơi vơi
Bởi chưng lỡ bước đã rồi .
Chiều tàn xế bóng qua hồi xa nhau.

Màn đêm buông rũ xuống mau,
Mẹ nay gối mỏi, chơn đau, lưng khòm,
Huyên đường xế bóng hoàng hôn,
Cũng là nước chảy đá mòn dòng sông.

Phù sa mát rượi cánh đồng,
Thu tàn úa lá cướp công Mẹ hiền.
Lợi danh cặn bã nát nghiền,
Huyên đường luân lý xem thường không nên.

Kính dâng Cha Thánh Bề Trên,
Phủ che Thân Mẫu bình yên năm dài.

Giáp văn Ly
Hội Thánh Tin Lành New York.

Hội thánh Lời Chúa trong ngày Hiền Mẫu 2017




Friday, May 12, 2017

Mẹ Quên Con


Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm hàng năm là ngày Lễ Mẹ, ngày mà người Hoa Kỳ dành riêng ra hằng năm để con cái và những người trong gia đình có dịp bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn với những bậc hiền mẫu. Đây là một truyền thống hay đẹp, tuy nhiên, cũng giống như bao nhiêu truyền thống đẹp khác, ngày Lễ Mẹ cũng dễ trở thành nạn nhân của thông lệ và thương mại, làm cho người ta ít nghĩ đến ý nghĩa mà chỉ còn là một dịp tốt để bán hoa, bán thức ăn, bán nữ trang, quần áo.

Dĩ nhiên những điều trên cần có để bày tỏ lòng biết ơn cách cụ thể với người vợ, người mẹ trong gia đình, nhưng nếu chúng ta chỉ có những điều đó mà thiếu đi lòng cảm nhận chân thành thì chúng ta đã thiếu sót rất nhiều. Ngày Lễ Mẹ vì vậy phải quay quanh ba vấn đề quan trọng sau đây:

Trước hết là lòng cảm nhận và biết ơn chân thành. Nói về bày tỏ lòng cảm nhận và biết ơn chân thành đối với những bà mẹ Việt Nam, có lẽ không ai có thể nói hay hơn nhà thơ Hồ Dzếnh trong mấy câu thơ quen thuộc: “Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ hy sinh có ở đời, tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực cho lòng cô gái Việt Nam tươi.” Hy sinh, khổ cực và những hy sinh khổ cực đó quý giá vô vàn. Đây là điều mà mỗi người chồng, mỗi người con lúc nào cũng phải biết và cảm nhận. Có người đã nói ví von: “Thiên Chúa không thể ở mọi nơi cùng một lúc nên Ngài đã tạo dựng người mẹ.” Dĩ nhiên Thiên Chúa có mặt mọi nơi mọi lúc nhưng câu nói trên cho thấy hình ảnh của người mẹ hiền cũng chính là hình ảnh yêu thương, chăm sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta là tạo vật của Ngài. Chính Ngài đã dùng bàn tay của những người mẹ hiền để chăm sóc chúng ta. Đây cũng chính là mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng người đàn bà. Sau khi tạo dựng muôn vật mọi loài, Chúa phán mọi việc Ngài làm đều tốt lành chỉ riêng có một điều không tốt đó là việc người đàn ông sống một mình. Chúa phán: “Người đàn ông ở một mình thì không tốt.” Do đó Thiên Chúa đã tạo dựng người đàn bà để trở thành người an ủi, giúp đỡ người đàn ông trên đường đời.

Các ông thường được gọi là phái mạnh và các bà thường được gọi là phái yếu. Về phương diện thể xác nói chung, các bà là phái yếu thật nhưng chính nhờ cái yếu đuối, mềm mại đó đã giúp cho đời sống gia đình êm ả, dễ chịu. Ngày Lễ Mẹ là ngày cho những người đàn ông trong gia đình được nhắc nhở về giá trị của vợ, của mẹ mình. Chính nhờ bàn tay ân cần, đảm đang, dịu hiền của người đàn bà mà gia đình được đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc. Đây cũng là điều nhắc nhở các bà về vai trò rất quan trọng của mình trong gia đình. Thiên chức làm vợ, làm mẹ giờ đây lắm khi thường bị lãng quên nhường chỗ cho công danh, sự nghiệp, tiền tài, vật chất. Các bà sống trong xã hội nầy có nhiều dịp để tiến thân, để làm ra tiền, để chen chân trong xã hội như các ông. Tuy nhiên các bà cũng nên nhớ rằng vai trò chính yếu của người đàn bà vẫn là trong mái ấm gia đình.

Nói như vậy không có nghĩa là các bà không đi làm hay không chen chân ngoài xã hội, không phải như vậy. Các bà vẫn có những chỗ đứng rất quan trọng trong xã hội với những khả năng và sức chịu đựng mà phái nam không có. Tuy nhiên, đó là chỉ là thứ yếu, vai trò chính yếu của người đàn bà vẫn là trong gia đình. Đây là điều rất dễ bị hiểu làm. Hiểu lầm thứ nhất là cho rằng việc nhà hay vai trò trong gia đình là không quan trọng là hèn kém hơn việc ở ngoài. Đây là sai lầm lớn nhất về vai trò của người vợ người mẹ trong gia đình. Dù xã hội thay đổi, dù cách sống thay đổi, Thiên Chúa đã tạo dựng người đàn bà với những khả năng, những đức tính để chu toàn vai trò làm vợ làm mẹ của mình và đó là một thiên chức, một điều rất cao quý và đẹp đẽ. Nếu cho rằng quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, nuôi con, chăm sóc chồng con là điều thấp hèn thì Thiên Chúa đã không ban cho người phụ nữ những khả năng và đức tính đặc biệt đó.

Những tệ trạng lớn trong xã hội ngày nay có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là vì vai trò của người đàn bà đã bị đặt sai chỗ, lẽ ra phải tập trung ở nhà, các bà đã đi ra ngoài quá nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là các bà chỉ biết quanh quẩn ở nhà nhưng chỉ có nghĩa là thiên chức hay nhiệm vụ chính của các bà là đem hạnh phúc lại cho chồng con bằng cách xây dựng một mái ấm gia đình.

Nói đến đây không thể nào không nói đến vấn đề giá trị, đó là chúng ta phải định nghĩa thế nào là một mái ấm gia đình. Tôi trình bày một hình ảnh tương phản để quý vị thấy rõ hơn. Có người cho rằng mái ấm gia đình là một căn nhà thật lớn, thật đẹp và rồi cả vợ lẫn chồng đều cặm cụi suốt ngày suốt tuần đi làm để đủ tiền trả nợ. Đi làm đầu tắt mặt tối cho nên mỗi ngày họ chỉ có vài tiếng đồng hồ để ngủ dưới mái ấm đó, con cái họ phải gởi ở một nơi khác từ sáng sớm đến tối. Cuối tuần, nếu không bận chợ búa, giặt giũ thì đi làm thêm, hoặc phải giữ cái nhà cái vườn cho sạch so với hàng xóm. Cuối cùng họ trở thành nô lệ cho điều mà họ gọi là mái ấm gia đình. Hình ảnh nấy có lẽ là hơi quá đáng một tí nhưng cũng là sự thật đối với nhiều gia đình để cho chúng ta thấy thế nào là giá trị thật ở đời.

Nếu chúng ta cho rằng giá trị ở đời là ở nơi đồng tiền, nơi chiếc xe chúng ta đi, căn nhà chúng ta sống thì dĩ nhiên chúng ta sẽ đeo đuổi những giá trị đó. Ngược lại, nếu chúng ta biết rằng giá trị ở đời là tình người, là thì giờ với gia đình, là kỷ niệm đẹp với người thân yêu, là dạy dỗ con nên người thì chúng ta sẽ đầu tư vào những điều nầy. Có một điều quan trọng mà dù cho Bạn không đồng ý với tôi đi nữa Bạn cũng sẽ phải đồng ý, đó là thời gian đi rất nhanh Bạn ạ, mới ngày nào mà gần 40 mươi năm qua, con chúng ta đã lớn, người chúng ta đã già, và Bạn nhìn lại xem, điều gì còn lại trên đời nầy? Nó không phải là căn nhà chúng ta ở hay chiếc xe chúng ta đi nữa nhưng là gia đình ta có hạnh phúc không? Con cái chúng ta ở đâu? Quan hệ vợ chồng của chúng ta như thế nào?

Nhân ngày Lễ Mẹ, chúng ta vừa cùng nhau điểm qua ba vấn đề quan trọng đó là:

Những người đàn ông, những người chồng, người con phải biết cảm nhận sự hy sinh và những khó nhọc của vợ, của mẹ mình và báy tổ điều đó trong những thái độ và hành động cụ thể. Tặng quà trong Ngày Lễ Mẹ chỉ là một điều rất nhỏ. Thái độ cư xử trong đời sống hằng ngày, yêu thương, giúp đỡ và nâng đỡ, đó mới thật là những món quà mà các bà thính nhận nhất.
Đừng bao giờ coi thường vai trò cao quý của người đàn bà trong gia đình. Chăm sóc, nuôi dưỡng chồng con không phải là chuyện nhỏ và chuyện dễ. Đây là điều các ông ghi nhận để quý vợ mình hơn, con cái biết ơn mẹ mình hơn. Và đây là điều các bà ghi nhận để chẳng những được an ủi, khích lệ nhưng cũng hãnh diện về vai trò của mình. Và chẳng những hãnh diện về vai trò của mình, các bà cũng sẽ ý thức về thiên chức cao đẹp đó để chu toàn vì biết rằng xã hội nầy sẽ dễ dàng tan rã nếu thiếu các bà biết giữ chặt giềng mối gia đình.
Điểm thứ ba có quan hệ mật thiết với những gì vừa nói, đó là nếu chúng ta không biết xác nhận vấn đề giá trị, nghĩa là không biết đâu là giá trị thật để đeo đuổi thì dù cho biết vai trò của mình chúng ta cũng sẽ không sống đúng theo vai trò đó mà chạy theo những giá trị chóng tàn phai ở đời.
Trên hết, ta phải biết điều nầy, dù người ta ca tụng tình mẹ và những hy sinh cao cả của người mẹ, tình thương và hy sinh đó không thể nào so sánh được với tình yêu cao cả đời đời Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dùng hình ảnh của người mẹ để so sánh tình yêu của Ngài dành cho chúng ta như sau. Chúa phán:

“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!”

Người mẹ không khi nào quên con mình được, nhưng dù cho mẹ có quên con đi nữa thì Chúa phán, Ngài chẳng bao giờ quên chúng ta.

Trong ngày ghi nhớ công ơn của những bậc hiền mẫu, chúng ta cũng đừng quên ghi ơn Thiên Chúa là Đấng sinh thành chúng ta, là Đấng đã ban cho chúng ta những bà mẹ hiền và những người bạm chung bước với chúng ta trên đường đời. Hãy nhớ ơn Chúa bằng cách đặt lòng tin trọn vẹn nơi Chúa, chẳng những ghi nhớ ơn sinh thành nhưng cũng ghi nhớ ơn cứu chuộc, ơn Ngài ban cho chúng ta khi chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Chỉ trong hồng ân đó ta mới có thể biết ơn người khác, sống đúng với vai trò của mình và biết đeo đuổi những giá trị trường tồn vĩnh cửu ở đời.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Quí khán thính giả ở tại Houston và vùng phụ cận có thể đón nghe Chương trình Phát thanh Tin lành hằng tuần vào lúc 2:30 pm chiều Thứ Năm trên Đài phát thanh Sài gòn 900 AM

hoặc Mạng lưới Điên toán ở www.tinlanh.org

Tình Mẫu Tử




Ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm là ngày lễ Mẹ, cũng gọi là ngày Từ Mẫu, ngày chúng ta dành riêng để ghi nhớ công ơn của mẹ. Nhân dịp này chúng tôi xin nói đến mối quan hệ mẹ con khi con đã trưởng thành và mẹ đã cao tuổi.

Khi người mẹ đã cao tuổi và con cái đã ra đời, tự lập, mối quan hệ giữa đôi bên là một mối quan hệ rất quý báu. Quý vì khi đã đến tuổi tự lập, không phải ai cũng còn mẹ, nhưng chỉ những người may mắn mà thôi. Lý do thứ hai khiến tình mẹ con trong giai đoạn này của cuộc đời rất là quý vì không phải người nào còn mẹ cũng được sống gần bên mẹ. Rất nhiều người dù mẹ còn sống nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì công việc không được ở gần bên mẹ. Lý do thứ ba khiến tình mẫu tử khi con đã lớn và mẹ đã già là mối quan hệ quý giá vì mẹ con đã cùng chia xẻ với nhau bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu buồn vui của gia đình nên dễ cảm thấy gần nhau. Vì cả hai đều là người lớn, đã kinh nghiệm về đời sống nên đây là lúc mẹ con có thể hiểu nhau, thông cảm với nhau và có thể trở thành bạn của nhau.

Lý tưởng là như thế, nhưng chúng ta hãy thử nhìn lại xem mối quan hệ giữa chúng ta và mẹ chúng ta có thật sự tốt đẹp không, đôi bên có hiểu nhau và thông cảm nhau như đáng phải có không? Nhiều người tuy đã lớn vẫn còn được diễm phúc ở gần mẹ, hoặc sống chung dưới một mái nhà với mẹ nhưng bao nhiêu người xem đó là phước hay chúng ta xem đó như là một gánh nặng mình phải chịu đựng. Tình mẫu tử là tình cảm tự nhiên và thiêng liêng, cao quý, là điều Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng mỗi người khi Ngài tạo dựng con người. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta không cảm nhận được hay không thể vui hưởng tình yêu đó, vì chúng ta sống với nhau bằng tình yêu ích kỷ. Mẹ thương con bằng tình yêu ích kỷ và con cũng đáp lại mẹ bằng tình yêu ích kỷ tương tự.

Chúng ta thương mẹ và mẹ cũng thương chúng ta nhưng vì bận rộn, vì vô tình, có khi vì ích kỷ, đôi bên không biết được nhu cầu thật của nhau hay những ước mong sâu kín trong lòng. Hơn nữa, mẹ con thương nhau thật nhưng người này cứ muốn người kia làm theo ý mình chứ không chiều ý nhau nên giữa mẹ con thường hay có những đụng chạm vô lý. Một lý do khác, sâu xa hơn, khiến giữa người mẹ cao tuổi và những người con đã trưởng thành không có mối quan hệ gần gũi đậm đà, vì có những người mẹ không chấp nhận rằng con mình đã lớn, mình phải đối xử như người lớn, còn con cái thì buồn bực vì cứ bị cha mẹ xem như con nít. Cuối cùng, có những gia đình, cha mẹ và con cái được ở gần nhau, mẹ con gặp nhau thường xuyên nhưng không có mối quan hệ sâu đậm vì đôi bên còn ôm giữ những điều phiền giận trong quá khứ, còn ghi nhớ lỗi lầm của nhau ngày trước và không tha thứ cho nhau. Thưa quý vị, cay đắng, buồn giận là thứ thuốc độc giết chết nhanh chóng tình cảm chúng ta dành cho người chung quanh.

Nhân ngày Từ Mẫu hôm nay, chúng tôi xin phép gởi đến quý vị những đề nghị nho nhỏ sau đây, để giúp quý vị, những người con đã lớn được Chúa ban cho diễm phúc có mẹ ở gần cũng như những người mẹ đã cao tuổi còn được ở gần bên con, có thể vui hưởng trọn vẹn tình thương chúng ta dành cho nhau.

Con cái:

Đừng xem mẹ như là gánh nặng cho mình đừng bực bội về những thói quen lẩm cẩm hay sự đảng trí của mẹ đừng quên rằng những năm tháng còn mẹ rất ngắn, ngày càng rút ngắn nên cố gắng dành thì giờ cho mẹ, đừng vì công việc, gia đình, con cái hay bạn bè mà quên mẹ, bỏ quên mẹ.
Đừng ghi nhớ lỗi lầm của mẹ hay những tổn thương mẹ gây ra cho mình ngày trước. Đừng lợi dụng tình thương của mẹ
Đừng nhắc chuyện buồn cũ, nhưng thỉnh thoảng nên nhắc lại công ơn của mẹ, vì công ơn đó rất là lớn lao.
Tìm mọi cách để làm cho những năm tháng cuối cùng của mẹ được nhẹ nhàng, an vui
Dành thì giờ lắng nghe khi mẹ có điều muốn nói
Chăm sóc mẹ, bày tỏ lòng yêu thương, hiếu thảo đối với mẹ một cách cụ thể.
Dạy dỗ và nhắc nhở con cái biết yêu thương, kính trọng bà, nói năng lễ độ với bà.
Những gì cần làm cho mẹ nên làm bây giờ, khi mẹ còn sống, vì khi mẹ qua đời rồi chúng ta có làm gì cũng quá muộn, mẹ không biết mà cũng không hưởng được.
Mẹ:

Hãy nhớ con mình đã lớn, đã có cuộc đời riêng, hãy tôn trọng con: tôn trọng ý kiến, sở thích, cách làm việc của con
Đừng xen vào đời sống gia đình con, đừng chen vào giữa vợ chồng con. Khi con đã có gia đình riêng, con là chủ gia đình của mình. Khi cần, cha mẹ chỉ góp ý kiến với con, đừng buộc con phải làm theo ý mình.
Đừng la mắng, sửa sai mỗi khi gặp con, đừng xem con như là con nít. Dù đó là con mình sinh ra nhưng bây giờ con đã lớn, đã làm cha làm mẹ, đã khôn ngoan trưởng thành, ta không còn trách nhiệm trên con nữa.
Hãy thông cảm với những bận rộn của con; đừng than van, trách móc khiến con có mặc cảm là không tròn bổn phận đối với cha mẹ.
Đừng vô tình làm cho con không muốn ở gần bên mình nữa.
Nếu đôi bên còn buồn giận nhau, vì những chuyện xưa cũ trong quá khứ, hãy tìm dịp nói ra và tha thứ cho nhau, làm hòa với nhau càng sớm càng tốt, để một ngày kia không phải ân hận vì mình đã không tha thứ cho nhau.
Có lẽ suốt hơn một tuần nay quý vị nhận được đủ mọi thứ quảng cáo về những món quà chúng ta nên mua để tặng mẹ nhân ngày Mother’s Day. Nhưng thưa quý vị, mua những món quà đó có lẽ chúng ta chỉ giúp cho người bán hàng được lợi chứ chưa chắc đó là điều mẹ chúng ta đang cần, đang mong ước. Món quà quý nhất chúng ta có thể tặng cho mẹ, và chắc chắn mẹ chúng ta sẽ vui nhận là tình yêu thương chân thành và lòng biết ơn sâu xa của chúng ta đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Nếu được, chúng ta hãy viết cho mẹ một là thư, gởi cho mẹ một tấm thiệp hoặc gọi điện thoại nói cho mẹ biết chúng ta yêu mẹ nhiều chừng nào, biết ơn mẹ biết bao nhiêu và xin mẹ tha thứ những khi chúng ta đã làm cho mẹ buồn lòng.

Trong đời sống máy móc và bận rộn này, chúng ta phải đồng ý rằng tặng cho mẹ một món quà vài ba chục bạc dễ hơn là dành cho mẹ vài ba tiếng đồng hồ nghe mẹ kể những chuyện xưa cũ. Tặng quà đắt tiền hay đưa mẹ đi ăn dễ hơn là đến xin lỗi mẹ những điều ta đã làm mẹ buồn. Nhưng thưa quý vị, tiền bạc không thể so với thì giờ quý báu ta dành cho mẹ, những món quà đắt tiền không đem lại niềm vui cho mẹ bằng những lời tâm tình yêu thương thành thật của con. Mother’s Day năm nay chúng ta hãy tặng cho mẹ chúng ta những món quà mà người mong ước, để mang lại cho mẹ niềm vui sâu xa, lâu bền mà không tiền bạc nào có thể mua được.

Thánh Kinh dạy chúng ta những lời sau đây về đời sống trong gia đình:

“Thà có ít của mà kính sợ Chúa Hằng Hữu, còn hơn là tài sản nhiều mà bối rối cặp theo. Thà chỉ ăn rau mà thương yêu nhau còn hơn ăn bò mập béo với ganh ghét cặp theo… Đứa con khôn ngoan làm vui vẻ cha, còn người ngu muội khinh bỉ mẹ mình” (Châm Ngôn 15:16, 17 & 20).

Xin Chúa giúp chúng ta là những người khôn ngoan, biết đâu là giá trị cao quý của đời sống và biết cách cư xử với các bậc sinh thành.

Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin kính gởi đến quý vị bài thơ sau đây. Đây là bài thơ tiếng Anh, chúng tôi xin tạm dịch như sau:

Nếu bạn còn người mẹ tóc đã bạc màu

Sống âm thầm trong ngôi nhà cũ, nơi xa xăm

Bạn hãy ngồi xuống, viết thư cho mẹ

Lá thư mà bạn đã trì hoãn bao năm.

Đừng chờ đến khi bước chân bạn

Quỵ bên cổng nhà quàn

Hãy thưa: Mẹ ơi, con yêu mẹ

Trước khi quá trễ

Khi mẹ đã vĩnh viễn ra đi

Nếu bạn có những lời thương yêu

Đừng chờ đến khi quên

Hãy thì thầm vào tai mẹ

Khi mẹ còn gần bên

Đừng để những lời đó theo đuổi bạn

Vì bỏ lỡ cơ hội làm cho mẹ bình an

Những lời ngọt ngào không nói

Những cánh thư không gởi

Những tình cảm không khơi

Khiến lòng ta tan nát

Vì ân hận không thôi

Hãy thưa với mẹ hôm nay

Con yêu mẹ từng ngày

Trước khi quá trễ

Khi Mẹ đã vĩnh viễn ra đi.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Quí khán thính giả ở tại Houston và vùng phụ cận có thể đón nghe Chương trình Phát thanh Tin lành hằng tuần vào lúc 2:30 pm chiều Thứ Năm trên Đài phát thanh Sài gòn 900 AM

hoặc Mạng lưới Điên toán ở www.tinlanh.org