Mỗi lần đến Giáng Sinh chúng ta lại thấy hình ảnh Ông già Noel xuất hiện trên các tấm thiệp Giáng Sinh, trên giấy gói quà, có nhà thì chưng ông già Noel bằng plastic trên sân cỏ. Ngoài đường phố hay ở các khu buôn bán cũng có ông già Noel đứng vẫy tay chào mọi người qua lại. Hình ảnh phổ thông nhất là ông già Noel với các em nhỏ vây quanh trông chờ nhận quà. Những phụ huynh có con nhỏ cũng hay cho con chụp hình với ông già Noel. Ðặc biệt là Ông già Noel lúc nào cũng mang trên vai một cái túi thật lớn, trong đó là đồ chơi, bánh kẹo, để phân phát cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em nghèo. Ở đây những gia đình có con nhỏ thì có tục lệ treo những chiếc vớ dài chỗ lò sưởi trong phòng khách rồi bỏ quà vào cho con, và các em nhỏ nghĩ rằng trong đêm Giáng Sinh, ông già Noel đã vào nhà qua ống khói lò sưởi để bỏ quà vào những chiếc vớ dài đó. Em nào ngoan ngoãn trong suốt năm sẽ được quà nhiều, em nào không ngoan, không vâng lời cha mẹ thì được quà ít hoặc không có quà. Có lẽ nhiều người thắc mắc: Không biết bắt đầu từ đâu hay từ nguồn gốc nào mà có truyền thống về ông già Noel trong lễ Giáng Sinh? Có những nhà thờ không muốn nhắc đến Ông Già Noel, cũng không cho người hóa trang làm ông già Noel vào dịp Giáng Sinh vì sợ các em nhỏ hiểu lầm Giáng Sinh là sinh nhật của ông già Noel thay vì nhớ rằng Giáng Sinh là ngày mừng sinh nhật của Chúa Cứu Thế. Nhưng khi tìm hiểu về sự tích ông già Noel chúng ta thấy huyền thoại về Ông Già Noel hay Santa Clause bắt nguồn từ một chuyện có thật, và cũng có nhiều điều hay, tốt cho chúng ta học hỏi.
Câu chuyện Ông già Noel bắt nguồn từ một chàng thanh niên tên là Nicholas, sống trong vùng Tiểu Á. Anh Nicholas ra đời trong thế kỷ thứ 3 sau Chúa, tại làng Patara, lúc đó thuộc đế quốc Hy Lạp, ngày nay là miền biển phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ anh là người rất giàu có. Ông bà là tín đồ trung kiên của Chúa Giê-xu. Ông bà dạy con rất cẩn thận trong Lời Chúa, với mong ước con mình lớn lên sẽ trở nên một tín đồ vững mạnh, trung kiên của Chúa. Khi Nicholas đến tuổi thiếu niên, trong vùng cha mẹ anh sống bị một bệnh dịch lớnlan tràn, cả cha và mẹ anh đều chết vì bệnh dịch đó. Cha mẹ Nicholas để lại cho anh tất cả gia tài của ông bà, vì thế trong phút chốc anh Nicholas trở nên một thiếu niên giàu có. Từ đó Nicholas về sống với người chú ruột, chú của anh là một vị linh mục.Người ta kể lại rằng, khi là một thiếu niên giàu có, một lần nọ anh Nicholas nghe nói về một người cha có ba cô con gái đến tuổi lập gia đình, nhưng không biết vì lý do nào đó, người cha bị mất hết tài sản, tiền bạc. Thời đó con gái đến tuổi lập gia đình phải được cha mẹ cho một số tiền lớn, gọi là của hồi môn, thì mới có người đến cưới làm vợ. Số tiền này là đểgiúp đôi vợ chồng mới bắt đầu cuộc sống riêng. Người con gái nào không có của hồi môn thì sẽ không ai muốn cưới. Gia đình ông cha và ba cô con gái lúc đó quá nghèo, không còn một chút thức ăn nào trong nhà, còn ba cô con gái thì sắp bị bán làm nô lệ cho bất cứ người nào có tiền bỏ ra mua, vì các cô không thể sống với cha được nữa. Các cô thật buồn lo, vì nếu bị bán làm nô lệ, các cô sẽ không bao giờ có gia đình riêng mà chỉ suốt đời làm nô lệ cho chủ. Sự sống của các cô hoàn toàn do chủ quyết định, chủ cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết.
Buổi tối cuối cùng, trước khi người con gái đầu bị bán làm nô lệ, cô đem giặt những đôi vớ dài và đem treo trước lò sưởi cho khô. Sau đó ông cha và ba cô con gái đi ngủ. Sáng hôm sau, cô gái thấy có một vật lạ trong chiếc vớ của mình. Thò tay vào xem thì thấy có một cái túi nhỏ nhưng khá nặng. Vật nhỏ trong túi đó là một thỏi vàng. Số vàng đó không nhữngđủ để mua thức ăn cho gia đình nhưng còn có thể làm của hồi môn cho người con gái lớn. Bốn cha con thật vui mừng. Ngày hôm sau, người trong nhà lại thấy có một túi vàng nữa, và nhờ số vàng đó hai người con gái nhỏ cũng được cứu, không bị bán làm nô lệ. Ðến ngày thứ ba, gia đình này lại tìm thấy một túi vàng nữa. Người cha quyết định đêm đó sẽ thức suốt đêm để canh xem ai là người đã bí mật giúp gia đình ông như thế. Nhưng đến khuya ông cha quá mệt nên ngủ thiếp đi. Ðang ngủ, ông nghe có tiếng động gần bên mình, như có ai bỏ một cái túi gì xuống bên cạnh ông rồi đi mất. Ông cha liền ngồi dậy chạy ra cửa xem thử ai mới vào nhà mình, thì ông thấy anh Nicholas, chàng thanh niên đang sống với người chú làm linh mục. Mừng quá, người cha reo lên: “Ồ, Nicholas, thì ra anh là người giúp gia đình tôi mấy hôm nay, thật tôi không biết nói sao để cảm ơn anh cho hết.” Nicholas trả lời: Bác đừng cảm ơn cháu, nhưng hãy cảm tạ Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của bác. Bác nhớ đừng nói cho ai biết nhé.” Từ đó anh Nicholas tiếp tục giúp đỡ người chung quanh. Anh luôn luôn giúp cách âm thầm, bí mật, anh không muốn ai ghi nhận công ơn hay đến cảm ơn anh. Nhiều năm sau đó Nicholas được phong làm giám mục. Từ đó Giám mục Nicholas chăm sóc người trong phần trách nhiệm của ông như một người chăn chăm sóc bầy chiên, đúng ra, đó là điều chính yếu ông làm mỗi ngày. Khi trong vùng thiếu thức ăn, ông tìm thức ăn cho mọi người, để không ai bị đói. Ông luôn luôn sẵn sàng giúp những người gặp nạn hay gặp khó khăn. Suốt cả cuộc đời, giám mục Nicholas dạy cho mọi người biết sống như thếnào để bày tỏ lòng kính yêu Ðức Chúa Trời và yêu thương chăm sóc, phục vụ tha nhân.
Dưới thời hoàng đế La-mã Diocletian, là hoàng đế tàn ác, bách hại tín đồ Cơ-đốc giáo, Giám mục Nicholas đã phải chịu khổ nạn, bị bách hại vì đức tin nơi Chúa. Ông bị trục xuất khỏi quê hương và bị giam trong tù. Nhà tù lúc đó đầy những linh mục, giám mục, mục sư, chấp sự nên không có chỗ cho những tội phạm như những người ăn cắp, cướp của giết người, v.v… Ðến năm 325, giám mục Nicholas được phóng thích ra khỏi tù, ông liền đi dự công đồng Nicea, và 18 năm sau, vào ngày 6 tháng 12, năm 343, giám mục Nicholas về với Chúa. Từ đó mỗi năm đến ngày 6 tháng 12 hoặc trong tháng 12, người ta làm lễ kỷ niệm Giám mục Nicholas. Khi giám mục Nicholas chết, mọi người đều thương tiếc. Ai cũng yêu mến ông và người ta kể lại cho nhau nghe về những việc thiện lành, nhân đức mà ông đã làm cho bao nhiêu người trong cộng đồng. Các thủy thủ đi đến đâu cũng kể lại những việc đầy yêu thương mà ông Nicholas đã làm cho họ, cho gia đình họ. Có những câu chuyện cho thấy ông rất là yêu thương các em nhỏ, ông giúp đỡ, ra tay bảo vệ các em khi các em gặp nguy hiểm. Khi những câu chuyện đó được truyền đi từ nơi này đến nơi kia, nhiều người biết đến Nicholas và học theo gương của ông, họ bắt chước ông, đi ra giúp đỡ những người nghèo khổ, những em nhỏ kém may mắn. Vì đời sống yêu thương, quan tâm giúp đỡ mọi người mà Nicholas trở thành thánh nhân, Thánh Nicholas hay Santa Clause.
Giáng Sinh là mùa của yêu thương, của quà tặng, vì trong đêm Giáng Sinh Thiên Chúa đã ban cho chúng ta món quà quý nhất, lớn nhất và cần thiết nhất từ thiên đàng. Món quà đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Mừng ngày Chúa Giáng Sinh chúng ta hãy noi gương Thánh Nicholas ngày xưa, nghĩ đến những người đang đau khổ, đau buồn, đang gặp hoạn nạn cần được giúp đỡ. Hãy nghĩ đến những người kém may mắn hơn chúng ta và làm điều gì cụ thể để xoa dịu nỗi khổ của họ. Chúa Giê-xu dạy: “Hãy hết lòng, hết ý, hết sức kính yêu Chúa là Ðức Chúa Trời và hãy yêu người lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37-38). Lời Chúa cũng dạy: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Ðức Chúa Trời.Người nào yêu thì sinh từ Ðức Chúa Trời và nhìn biết Ðức Chúa Trời. Ai chẳng yêu thì không nhìn biết Ðức Chúa Trời, vì Ðức Chúa Trời là tình yêu thương” (I Giăng 4:7-8).
Kính chúc quý thính giả một Giáng Sinh đầy niềm vui và yêu thương vì đã đón nhận Chúa của tình yêu vào cuộc đời mình.
Minh Nguyên
TIẾNG NÓI PHÚC ÂM · DECEMBER 19, 2018