Wednesday, May 24, 2023

Phân Tích Mối Liên Hệ Giữa Đức Tin Và Việc Làm


Kinh thánh: Gia-cơ 2:14-26

Phân đoạn Kinh Thánh trong Gia-cơ chương 2:14-26 là một trong những phân đoạn gây nhiều tranh luận và nhiều hiểu lầm nhất trong thư Gia-cơ.  Có nhiều tà giáo đã dùng phân đoạn nầy một cách sai lầm, bóp méo sự thật và giải thích ý nghĩa của phân đoạn nầy là chúng ta phải góp phần vào trong công việc cứu rỗi của Chúa qua việc làm của mình, phải làm công quả thì mới vào Thiên Đàng được.  Nhưng đó không phải là điều sứ đồ Gia-cơ muốn nói đến ở đây; ông muốn cho chúng ta biết cách phải sống thế nào sau khi chúng ta trở thành tín đồ Đấng Christ.  Nếu chúng ta không hiểu sứ đồ Gia-cơ muốn nói gì, thì sẽ nghĩ rằng mình sẽ phải làm việc để được vào Thiên Đàng.  Dường như điều sứ đồ Gia-cơ nói đi ngược lại với những gì sứ đồ Phao-lô dạy trong thư Rô-ma, nhưng thật sự không phải vậy.

Sứ đồ Phao-lô, trong thư Rô-ma, chống lại với chủ nghĩa luật pháp nhấn mạnh đến việc một người tin Chúa phải giữ tất cả luật pháp của người Do thái thì mới được cứu.  Sứ đồ Phao-lô rất là cứng rắn trong lập trường của ông rằng chúng ta không cần phải giữ những luật pháp của người Do Thái thì mới trở thành tín đồ Đấng Christ, và ông viết thư cho nhóm người đang gặp khó khăn vì chủ nghĩa luật pháp nầy.  Sứ đồ Gia-cơ, mặt khác, thì không đối phó với chủ nghĩa luật pháp, nhưng với một thái cực ngược lại, ông muốn chống lại với tinh thần lè phè, biếng nhác  Đây là một tinh thần thụ động muốn sống sao thì sống, chỉ cần tin Chúa là đủ rồi, không muốn làm gì hết.

Sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Gia-cơ tranh chiến với hai kẻ thù khác nhau.  Nhưng vấn đề xảy ra vì hai người cùng dùng một chữ: việc làm, và họ dùng cách khác nhau.  Khi sứ đồ Phao-lô dùng chữ việc làm, ông muốn nói đến luật pháp Do Thái, như phép cắt bì, hay những luật về lễ nghi được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước.  Nhưng khi sứ đồ Gia-cơ dùng chữ việc làm, ông muốn nói đến nếp sống cơ đốc, những việc chúng ta làm sau khi chúng ta được cứu, cách cư xử của chúng ta, sự thay đổi trong hành động của chúng ta, không phải luật lệ phải tuân giữ nhưng việc làm bởi lòng yêu thương.  Chữ việc làm được dùng hai nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Khi sứ đồ Phao-lô nói về ân điển và đức tin, ông nói về gốc của sự cứu rỗi, điều gì xảy ra ở bên trong khi một người tin nhận Chúa.  Mặt khác, khi sứ đồ Gia-cơ nói về đức tin, ông không nói về gốc của sự cứu rỗi, nhưng nói về bông trái của sự cứu rỗi, những bằng chứng ở bên ngoài bày tỏ sự thay đổi xảy ra ở bên trong.  Chúng ta không thay đổi bởi vì chúng ta làm điều thiện, chúng ta được thay đổi bởi đức tin vào ân điển của Chúa.  Nhưng sau khi chúng ta thay đổi, bằng chứng của sự thay đổi được thể hiện qua cách ăn ở của mình.  Đức Chúa Jesus phán:  Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được (Ma-thi-ơ 7:20).  Chúng ta có thể nhìn vào cách cư xử của một người mà biết được bên trong của người ấy ra làm sao, bởi vì những gì ở bên trong chúng ta sẽ được thể hiện ra bên ngoài qua lời nói và hành động của chúng ta.

Vì thế mà sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Gia-cơ không có mâu thuẫn với nhau.  Sứ đồ Phao-lô bàn về làm thế nào biết mình là cơ đốc nhân; còn sứ đồ Gia-cơ thì bàn về làm thế nào bày tỏ mình là cơ đốc nhân.  Sứ đồ Phao-lô, trong phân đoạn bàn về thế nào được cứu chỉ bởi đức tin, nói về làm thế nào để trở thành một tín hữu; còn sứ đồ Gia-cơ nói về làm thế nào để cư xử như một tín hữu sau khi tin Chúa.  Cả hai người không có mâu thuẫn gì cả.

Chúng ta có thể xem tóm tắt của hai chân lý nầy:  Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (Ê-phê-sô 2:8-10).  Trong câu 8, ông nói đến việc chúng ta được sự cứu rỗi bởi đức tin, và trong câu 10, ông nói đến việc chúng ta được cứu cho một cuộc đời làm việc lành.  Có 3 giới từ trong phân đoạn nầy, nhờ ân điển, bởi đức tin, để làm việc lành.  Nếu chúng ta sắp lộn những giới từ nầy, chúng ta sẽ gặp rắc rối.  Ví dụ như, nếu chúng ta được cứu bởi làm việc lành, để được đức tin, thì chắc chúng ta sẽ gặp trở ngại.  Nhưng sứ đồ Phao-lô nói chúng ta nhờ ân điển, bởi đức tin mà được cứu để làm việc lành.

Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Gia-cơ cho chúng ta năm bằng chứng để biết chắc chúng ta có đức tin thật:  (1) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta nói (câu 14).  (2) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta cảm xúc (câu 15).  (3) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta suy nghĩ. (câu 18a). (4) Đức tin thật cũng không chỉ là những điều chúng ta tin tưởng. (câu 19).  (4) Đức tin thật là những điều chúng ta thực hành (câu 20).

Vì vậy, sứ đồ Gia-cơ không nói rằng chúng ta phải gắng sức làm công quả để được vào Thiên Đàng.  Ông cũng không có nói rằng việc làm dẫn đến sự cứu rỗi, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc làm là kết quả của sự cứu rỗi.  Cách chắc chắn nhất là sự tin chắc trong tâm hồn và sự đảm bảo từ những người khi họ nhận thấy được những kết quả của đức tin trong cuộc đời của chúng ta. 

Bài viết của MS Lê Hoàng Trọng, D.Min.