Tác giả Nguyễn Anh Đào
Có bao giờ bạn thức ngoài trời giữa một đêm sao sáng?
Nếu đã từng ngắm nhìn bầu trời trong một đêm sao sáng, bạn sẽ không thể nào quên được những giây phút tuyệt vời đó. Hôm nào trời quang mây tạnh, tôi mời bạn đi vào một thế giới rất gần gũi mà bạn không hề để ý đến. Tôi mời bạn bỏ lại đằng sau vạn ánh đèn màu, rời xa phố phường, hoà mình vào cõi thiên nhiên. Bạn sẽ lặng người ngắm nhìn bầu trời huyền ảo, với hàng triệu ngôi sao lung linh trong khoảng không gian mênh mông, cao vời. Bạn sẽ nhìn ngắm không chán một bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên mà mình chưa từng thấy, sẽ cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước sự vĩ đại của vũ trụ mà Thượng Đế đã tạo nên. Bạn sẽ nghĩ về một thế giới rất xa, rất đẹp và rất thơ. Thế giới đó được bao phủ bởi muôn vàn hạt kim cương lóng lánh. Lạc vào trong cõi thần tiên đó, bạn sẽ đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác, quên hẳn cõi trần mình đang sống. Bạn mơ về một chuyến viễn du, có vì sao dẫn lối trong đêm tối và khi hừng đông về, thuyền sẽ ghé bến an bình. Trong niềm mơ bất tận, bạn sẽ đi vào giấc ngủ yên lành lúc nào không biết.
Hơi viễn vông một chút, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình sinh ra dưới ngôi sao nào. Bạn hi vọng rằng mình không sinh ra dưới “một ngôi sao xấu” như một nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, nhưng dưới một “ông sao” bổn mạng đem đến nhiều vận may và hạnh phúc. “Ông sao”, như người bình dân thường gọi, hàm chứa lòng tôn kính của con người đối với sự vĩ đại của trời cao. Dưới những vì sao sáng, một cảm giác thiêng liêng sẽ đi vào cõi lòng, khiến bạn ý thức rằng có một đấng Thượng Đế tối cao đang tể trị vạn vật và cả cuộc đời của mình. Mỗi hành tinh trong muôn vàn tinh tú đó xoay vần theo một qũy đạo đã được bàn tay khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá định sẵn. Người ta tin rằng mỗi một dấu hiệu thay đổi lạ trên trời cao là một điềm báo về một sự kiện quan trọng sẽ xảy ra dưới đất, là một thông điệp Thượng Đế báo cho con người. Hơn hai ngàn năm trước đây, thôngđiệp đó đã đến với nhân loại
Vào thời ấy, có một ngôi sao kỳ lạ xuất hiện. Rất rõ và rất sáng để không thể nhầm lẫn được. Ngôi sao ấy đã làm thay đổi lịch sử của nhân loại. Ngôi sao này là một siêu sao mới (supernova-siêu tân tinh), từ lâu đã là mối tranh cãi của các nhà thiên văn học. Vào năm 1604, nhà toán học Johannes Kepler đã tính được vị trí các hành tinh vào thời Chúa giáng sinh, cũng tìm được sự giao hội đặc biệt của các chòm sao trong nhóm Song Ngư vào năm thứ 7 trước công nguyên, có nghĩa là sao Mộc và sao Hỏa gặp nhau trên bầu trời nhưng vẫn cách nhau một khoảng gần bằng đường kính của mặt trăng. Vài năm sau đó Mộc tinh tiến gần sao Vệ Nữ là một ngôi sao sáng. Sau đó một thời gian, hai sao trên lại gặp nhau nhưng không va chạm, như tạo thành một ngôi sao lạ, sáng chói khắp miền Trung Đông.
Đó là ánh sao miền Đông xuất hiện trong đêm Chúa giáng trần tại Bết lê hem mà Thánh Kinh đã ghi lại.
Có ba nhà thông thái từ miền đông nhìn thấy ánh sao đó. Họ là ba nhà thiên văn học, có quyền chức và giàu sang. Họ là những người dân ngoại, nhưng vẫn luôn luôn theo dõi các vì sao và trông mong ngày ngôi sao xuất hiện. Người Do thái, tuyển dân của Chúa, lại hờ hững không tìm kiếm Chúa Giê xu, nhưng những nhà thông thái này lại trông mong ngày Chúa đến. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng nhiều khi những kẻ ở cận kề Chúa lại là những kẻ trong lòng xa cách Ngài nhất. Về phần các nhà thông thái, điều gì đã khiến họ lên đường tìm đến hài nhi Giê Xu? Thấy môt ngôi sao lạ chưa từng thấy bao giờ, họ biết rằng đó là dấu hiệu của một đấng rất lạ lùng đã được sinh ra tại xứ Giu Đê, nơi ánh sao đang toả sáng. Không ngại đường xa, không ngại chuyến hành trình đầy gian khổ, họ lên đường đi tìm Chúa. Câu hỏi của họ là: “Chúa sinh tại đâu?” Họ chắc chắn một điều: Chúa đã giáng sinh, và họ muốn biết nơi đâu. Họ không hoài nghi về việc Chúa có sinh ra hay không, họ hoàn toàn xác tín điều này. Có lẽ họ nghĩ rằng là vị Vua đó sẽ sanh ra ở nơi cung điện, nên họ vào cung để thăm hỏi. Nhưng chẳng ai biết gì về một vì Vua sắp sinh ra. Trái lại, họ làm cả triều đình hoang mang bối rối, khi nghe tin Vua dân Giu đa đã ra đời. Vua phải mời các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo vào cung để hỏi tin. Điều này cũng xảy ra ngày hôm nay với một số người đi tìm kiếm một Cứu Chúa, nhưng không biết phải tìm ở đâu. Họ đến nơi đền đài tráng lệ, nguy nga, những nơi điện thờ rực rỡ, nghĩ rằng Ngài đang ở những nơi sang trọng đó, để rồi thất vọng.
Ngôi sao đó đã đưa họ đến tận nơi Chúa Giê Xu đang ở.
Chúng ta học đưọc từ những nhà thông thái điều này: kẻ nào đi theo Chúa trong những ngày tăm tối nhất sẽ tìm được ánh sáng đang chờ đón họ. Ánh sáng trong đêm là biểu tượng của chúa Giê Xu, Ngài là ánh sáng và sẽ luôn đưa đường dẫn lối cho con dân của Ngài. “như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em (II Phi e rơ 1:19b). Ba kẻ hành hương từ phương Đông tràn trề hi vọng sẽ gặp được Đấng Cứu Thế, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An, họ không ngại đi trong đêm tối, và sao mai đã mọc trong lòng họ.
Thái độ của những nhà thông thái này khi gặp Chúa cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Khi gặp Chúa Hài Đồng, họ sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài. Kinh Thánh không hề chép họ đã sấp mình trước Vua Hê Rốt, vị vua đầy uy quyền lúc bấy giờ, nhưng phủ phục trước một hài nhi, vì biết đấng mình đang đối diện. Họ biết thân phận mình, biết khiêm cung mà thờ phượng Ngài. Họ đã gặp được Vua của muôn Vua, Chúa của muôn Chúa, là Đấng Cứu Thế, đấng cứu cả thế gian này khỏi tội lỗi, khỏi sự hư mất. Vì luôn ngưỡng vọng Ngài, nên họ nghe được tiếng gọi thầm kín thiêng liêng trong lòng mình và đã lên đường để đến với Ngài. Họ kính sợ Ngài nên đã không tuân lệnh truyền của Vua, trên đường về không tiết lộ nơi sinh của Ngài. Nhờ lòng tin và niềm ao ước tìm được đấng Cứu Thế, họ đã thấy được điều người khác không thấy, và Thượng Đế đã ban cho họ sự thông sáng để ứng xử trước những thử thách của đời.
Cho đến nay, con người đã dày công tìm hiểu và đã tái tạo nhiều công trình đã được ghi chép trong Kinh Thánh. Họ đã thành công trong việc đóng chiếc thuyền của gia đình Nô Ê theo đúng mẫu mực, đã đi lại hành trình của Phao Lô, đã tìm tòi và bảo tồn các bản Kinh Thánh cổ xưa. Nhưng chưa ai lập lại được một cách trung thực cuộc hành trình của ba nhà thông thái đi tìm Chúa. Lý do giản dị là ngôi sao miền Đông ấy chỉ xuất hiện một lần. Rồi thôi. Con Trời chỉ giáng sinh một lần, chết trên cây thập tự để hoàn thành chương trình cứu rỗi của Thượng Đế cho nhân loại, một lần đủ cả. Ngôi sao ấy chỉ xuất hiện một lần, nhưng còn ở mãi trong lòng nhân thế. Ngôi sao ấy đã soi sáng cho bao cuộc đời tìm đến chân lý, đến với sự cứu rỗi, đến với niềm bình an và hi vọng.
Thánh Kinh đã ghi lại những sự việc đã xảy ra trong đêm Chúa Giáng Sinh, với các nhân vật đến từ nhiều nơi khác nhau, có những đời sống khác nhau. Giữa những người đó và Bết Lê Hem, với ánh sao toả sáng, có những khoảng cách khác nhau.
Xa nhất là những nhà thông thái. Họ là biểu tượng của tri thức loài người, nhưng họ vượt qua được sự tầm thường của thế nhân. Nhiều khi tri thức làm chúng ta không đến gần với Chúa được. Chúng ta biết Chúa. Chúng ta biết về ánh sao Bết Lê Hem. Chúng ta hứa sẽ đến với Ngài. Nhưng chúng ta chần chờ, hẹn nay hẹn mai. Chúng ta đang quá bận rộn để trau dồi thêm tri thức. Chúng ta ngại rằng chuyến đi gặp Chúa sẽ rất gian khổ, đầy khó khăn, sẽ ảnh huởng đến cuộc sống an định của mình.
Giô Sép cũng xa không kém. Lòng Giô Sép chắc không mấy vui vì phải từ Na Xa Rét đi đến thành Đa Vít để ghi danh vào sổ thuế của người La Mã đang thống trị quê hương mình. Lòng ái quốc làm cho Ông bị tổn thương và hành trình đến Bết Lê Hem lại thêm khổ nhọc với Mari sắp đến ngày sinh nở.
Đối với Ma ri, đường đến Bết Lê Hem cũng xa xôi và đầy truân chuyên. Nỗi lo âu của một người đàn bà mang thai sắp đến ngày sanh lại phải trải qua cuộc hành trình dài là nỗi lo khôn tả. Nhất là khi người mẹ đó hạ sanh đứa con đầu lòng, là Đấng Cứu Thế, nơi chuồng chiên, máng cỏ
.
Mấy gã mục đồng gần ánh sao hơn. Họ gần Chúa Giáng Sinh về khoảng cách cũng như về tấm lòng. Không ngần ngại, không thắc mắc, họ nghe tiếng hát thiên thần và nhanh chân đến thờ lạy Ngài
Tất cả những nhân vật đó, đến từ nhiều nơi, từ những giai tầng khác nhau trong xã hội, với những bối cảnh gia đình khác nhau, đã hội tụ tại Bết lê hem, đã hợp lại tạo nên một bức tranh tuyệt vời về sự liên kết của những kẻ gần xa chào đón Chúa ra đời. Sự hiện hữu của họ làm cho chúng ta hiểu rõ về sứ điệp Giáng sinh: Chúa đến cho mỗi người và mọi người, không phân biệt tuổi tác, màu da, chức phận trong đời.
Còn Vua Hê rốt thì sao? Ông ở trong một thế giới nằm bên ngoài ngôi sao đó. Không có khoảng cách nào lớn hơn sự xa cách giữa vị vua trần thế này và Vua Thiên Thượng. Xa đến nỗi sự xuất hiện của ngôi sao miền Đông đã làm Ông lo sợ. Ông không hề nghĩ đến việc theo ánh sao mà đi.
.
Câu chuyện giáng sinh trong Kinh Thánh khiến chúng ta suy nghĩ: sao miền Đông đang ở nơi nào trong cuộc đời chúng ta? Cuộc đời của bạn và tôi. Khoảng cách ấy tùy thuộc vào lối suy nghĩ, vào niềm tin của mỗi người. Chúng ta có nhanh chân như các gã mục đồng, hay không thể bước ra ngoài những giá trị vật chất đang bao quanh chúng ta, như cung điện bao quanh Vua Hê rốt, làm Ông không thể theo ánh sao mà tìm đến thờ lạy Con Trời.
Bạn ơi, trong lúc phố phường thay áo mới, khi không trung vang vang những bài thánh ca, trong ánh sáng lung linh của hoa đèn, bên những gói quà dưới cây thông trang hoàng đủ màu sắc, trong không khí rộn ràng đón mừng ngày kỷ niệm Chúa giáng trần, bạn có bao giờ nghĩ về một vì sao sáng? Một vì sao đã soi đường cho nhân loại qua bao thời đại. Bạn có đang nhắm hướng sao ấy mà đi? Bạn có tìm đến tôn thờ Chúa Thượng Đế Ngôi Hai đã giáng sinh?
Bạn thân mến, hương sắc rồi cũng phai tàn và nét thanh xuân sẽ không còn đọng mãi trên làn mi, mái tóc của con người. Đời người sẽ chóng qua, bạn không nên chần chờ nữa. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao?
Trong mùa Giáng Sinh này, ước mong sao miền Đông, vì sao vĩnh cửu, sẽ chiếu sáng và hướng dẫn cuộc đời của bạn đi trong vinh quang Thiên Chúa.
Nguyễn Anh Đào